Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Công thương báo cáo việc ngành thép đang đối mặt với hàng nhập khẩu giá rẻ; đồng thời đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân là thời gian gần đây thép nhập khẩu liên tục tràn vào, có nguy cơ đè bẹp ngành thép trong nước.
Dùng tiểu xảo để lách thuế
Theo công bố mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã sản xuất khoảng 610.000 tấn thép, tăng gần 51,5% so cùng kỳ năm trước; sản lượng thép tiêu thụ ước đạt khoảng 500.000 tấn… Sức tiêu thụ khả quan trong thời gian qua của ngành thép một phần do thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên từ cuối năm 2014, đồng thời tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh cộng với nhu cầu xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản ngày càng lớn đã góp phần thúc đẩy lượng thép bán ra. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, các doanh nghiệp thép liên tục phải giảm giá bán, tăng chiết khấu để nâng sức cạnh tranh; đặc biệt là để đối phó với thép nhập khẩu giá rẻ và sức ép từ nguồn cung dư thừa của các nhà máy Trung Quốc với chiến lược tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Kể từ quý 2 năm nay, giá thép xây dựng liên tục hạ nhiệt, tổng mức giảm khoảng 400 - 1.000 đồng/kg, đưa mức giá bán lẻ dao động phổ biến ở mức 13.900 - 14.600 đồng/kg.
Thép cuộn được bày bán ở một cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận Bình Tân, TPHCM (Ảnh: CAO THĂNG)
Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn thép các loại, trị giá gần 5 tỷ USD, trong đó thép Trung Quốc chiếm khoảng 60%. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, xuất khẩu thép liên tục giảm do các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nhiều thị trường. Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, cho biết, ngoài lượng thép nhập khẩu lớn từ Trung Quốc, điều đáng lo ngại cho các doanh nghiệp thép Việt Nam là vấn đề gian lận thương mại thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, loại thép Bo chứa hợp kim vi lượng (0,0008% Bo) của Trung Quốc khai gian để nhập khẩu vào Việt Nam hưởng ưu đãi thuế 0% đã diễn ra trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết.
Theo Tổng Giám đốc Thép Hòa Phát Trần Tuấn Dương, câu chuyện thép Trung Quốc dùng tiểu xảo để được miễn thuế, hoàn thuế khi xuất khẩu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thép thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngành thép nên đề ra tiêu chuẩn phôi thép rõ ràng hơn, phôi thép có chứa thành phần Bo không phải là phôi thép, phôi thép có chứa chất hợp kim không được sử dụng xây dựng, không phù hợp với Việt Nam. Do đó, phôi thép có chứa các thành phần hợp kim như Bo của Trung Quốc cần hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam hoặc không nhập khẩu. Ngoài ra, ngành thép cần có những hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng hơn.
Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt Úc Lê Minh Tú cũng lo ngại: “Theo xu thế hội nhập, tự do thương mại, thép Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn vậy mà vấn đề này dường như vẫn còn bỏ ngỏ, doanh nghiệp còn khá mơ hồ về thông tin. Nhu cầu thép của Việt Nam ước tính năm 2020 là 40 triệu tấn, nếu thép Trung Quốc vào Việt Nam với thuế nhập khẩu 0%, e rằng ngành công nghiệp thép Việt Nam khó có thể tồn tại và phải quy hoạch lại như thế nào?”.
Tìm giải pháp tự vệ hiệu quả
Tại một hội thảo bàn về cơ hội và thách thức với ngành thép trong thời kỳ hội nhập mới đây, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, thép thuộc danh mục hàng nhạy cảm cao nên đến năm 2021 vẫn được giữ mức thuế từ 5% - 10%, tùy mặt hàng khi nhập vào Việt Nam. Trong khi đó, Cục phó Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải cho biết, để cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước phải tìm hiểu các biện pháp phòng vệ thương mại, tự vệ, chống bán phá giá để làm công cụ bảo vệ mình. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp còn ngại kiện cáo, khiến Việt Nam sử dụng công cụ tự vệ thương mại còn kém. Bên cạnh đó, ngành thép đang cố gắng ngăn chặn thép Trung Quốc, đặc biệt là thép xây dựng đội lốt thép hợp kim nhưng có mâu thuẫn, do một số doanh nghiệp thành viên của VSA là các doanh nghiệp thương mại vẫn nhập khẩu sản phẩm này, cạnh tranh với doanh nghiệp sản xuất trong nước dẫn đến quan điểm chưa thống nhất.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận trong tranh tụng thương mại quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nên chưa tiến hành được nhiều vụ kiện các sản phẩm từ Trung Quốc. Cho đến nay, Việt Nam mới áp thuế chống bán phá giá với mức thuế 3,07 - 37,29% đối với một số sản phẩm thép không gỉ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan. Với riêng các sản phẩm tôn Trung Quốc giá rẻ, hiện VSA đang cùng các doanh nghiệp liên quan ráo riết thu thập dữ liệu, chuẩn bị các phương án để sớm khởi kiện sản phẩm tôn các loại có nguồn gốc từ Trung Quốc trong thời gian thích hợp nhất. “Song bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao tính cạnh tranh để giảm giá thành sản phẩm. Về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng cần dựng lên những hàng rào kỹ thuật, đồng thời trong đàm phán các FTA song phương và đa phương nên có những điều khoản nhất định đối với sản phẩm nhạy cảm như tôn, thép”, ông Nguyễn Văn Sưa đề nghị.
LẠC PHONG