Gần chục năm trở lại đây, đời sống nhạc Việt trở nên sôi động và có phần… nhảm nhí bởi sự xuất hiện của dòng nhạc thị trường mà đỉnh điểm là dòng nhạc chợ, nhạc nhảm xuất hiện tràn lan trên nhiều trang mạng. Có thể kể đến những ca khúc mới nghe tên đã không nuốt nổi như “Người gian dối sẽ gặp người gian dối”, “Kiếp vợ bé”, “Kiếp đàn bà thân xác đàn ông”, “Đàn ông ai cũng như ai”… đua nhau ra rả với tốc độ chóng mặt khiến một bộ phận công chúng ngán ngẩm.
Những tác phẩm gọi là “âm nhạc” kiểu này cứ ồ ạt ra đời nhiều đến mức không đếm xuể. Tên ca khúc là vậy, nghe tới nội dung thì lại càng choáng hơn. Người ta không ngần ngại đưa những câu chữ hết sức ngớ ngẩn vào bài hát đại loại như: “Người con gái kia oh... oh đã khiến ta giờ phải nhớ thương trong lòng, người con gái kia đã khiến ta giờ đây thành kẻ bướm hoa…” (Kẻ bướm hoa), “Tôi đành chôn kín trong lòng, chỉ vì tôi là người đồng tính… Kiếp sau tôi sẽ không là đàn ông” (Kiếp đàn bà thân xác đàn ông), “Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi…” (Thỏ con chiên bánh), “Nói nghe nè, là ngày hôm qua đó, tôi nằm mơ thấy con cầy cắn tui, chó nhỏ 11 chiều nay nó sẽ ra, bạn hãy đánh bao lô 11 đi” (Kiếp đánh đề)…
Ca khúc sau phải “kêu” hơn ca khúc trước, tên phải dài thậm thượt, ca từ càng chợ búa, tục tĩu thì càng dễ được chú ý. Người ta tự hỏi, không thể hiểu nổi vì sao các “nhạc sĩ” lại có thể sáng tác được và nhiều “ca sĩ” lại có thể hát được những bài hát không bình thường, nếu không muốn nói là bệnh hoạn như thế?
Ca từ sáo rỗng, giai điệu lặp đi lặp lại còn nội dung thì quanh đi quẩn lại cũng là ngớ ngẩn, quằn quại đau khổ tuyệt vọng, dối lừa. Đáng buồn hơn khi một số bạn trẻ hiện nay lại hưởng ứng, cổ xúy cho loại âm nhạc lệch lạc ấy. Sẽ không quá lời khi nói rằng nhạc thị trường, nhạc nhảm đang làm vẩn đục ngôn từ Việt và thị hiếu âm nhạc của người nghe.
Cùng với sự bát nháo trong một bộ phận đời sống ca khúc hiện nay còn có hiện tượng lạm phát danh xưng nhạc sĩ. Hễ cứ viết và được phổ biến một hai bài nhạc thì người viết nghiễm nhiên tự phong cho mình là nhạc sĩ! Cái thuở mà ca từ bài hát luôn được chắt lọc, những giai điệu trẻ trung đầy sức sống được kết thành tác phẩm âm nhạc làm say đắm lòng người phải đâu đã là quá khứ.
Tiếng Việt vốn là ngôn ngữ giàu cảm xúc, phong phú về ngữ nghĩa, lẽ nào người ta cứ dễ dãi quơ quào những câu từ vớ vẩn, bỏ vào khuôn rồi gắn cho nó cái mác là tác phẩm âm nhạc? Những khán giả yêu nhạc đích thực không thể chấp nhận các bài hát rẻ tiền kiểu như trên, càng không bao giờ ngộ nhận đó là âm nhạc. Đáng tiếc, không hiếm cộng đồng mạng và phương tiện truyền thông thời gian qua - thay vì định hướng thẩm mỹ cho người nghe – lại vì những lợi ích cá nhân hoặc cục bộ góp phần quảng bá cho những bài hát kiểu này.
Âm nhạc cũng như bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác cũng đều hướng đến mục đích cuối cùng là nuôi dưỡng tâm hồn và định hướng thẩm mỹ cho người thưởng thức. Nhưng trước hết, cá nhân người sáng tác và người thể hiện cần ý thức sâu sắc khi cho ra đời một đứa con tinh thần hay biểu diễn một tác phẩm. Nếu để xu hướng này phát triển sẽ làm hại giới trẻ và có nguy cơ dẫn đến sự xuống cấp văn hóa.
Minh An