Nghẽn mạng
Tình trạng Internet Banking ở các ngân hàng bị nghẽn mạng do đường truyền, do bảo trì, nghẽn… không rõ nguyên nhân thường xuyên xảy ra. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ đôi khi trở thành hên - xui nên nhiều người chưa thật sự tin tưởng - nhất là đối với “đồng tiền gắn liền khúc ruột”. Anh Nguyễn Văn Hoàng ở quận Gò Vấp, TPHCM, nhận xét công nghệ thông tin giữa các ngân hàng không đồng bộ. Chuyển khoản Internet Banking nội bộ thì rất ổn, rất nhanh, nhưng nếu chuyển qua hệ thống ngân hàng khác thì đôi khi bị nghẽn đến vài ngày. Có lần anh thực hiện chuyển tiền từ tài khoản BIDV sang tài khoản ngân hàng khác mà mất tới 2 ngày vì có ngày chủ nhật. Anh tự hỏi, đã ứng dụng công nghệ mạng thì tại sao còn bị hạn chế bởi ngày làm việc, ngày nghỉ, như vậy khác gì giao dịch thủ công?
Lý giải về điều này, một cán bộ ngân hàng giải thích, sở dĩ có việc tiền chuyển Internet Banking giữa các hệ thống ngân hàng bị chậm do 2 nguyên nhân: thứ nhất là có thể ngân hàng đó không đăng ký vào hệ thống những chi nhánh quá xa, ít người dùng nên phải đi vòng, tốn thêm thời gian; thứ hai là do đúng lúc ngân hàng đã cạn tiền, chưa tiếp vào hệ thống nên không chuyển đi kịp thời. Trong thực tế, những ngân hàng khác nhau có mức đầu tư công nghệ khác nhau, dẫn đến tình trạng chưa đồng bộ trong giao dịch, thanh toán.
Cần dịch vụ tin học thông suốt
Một người bạn trước đây cầm trong tay cả xấp thẻ của nhiều ngân hàng khoe rằng, anh được các ngân hàng khuyến mãi cấp hạn mức tín dụng tín chấp nên anh xài. Nay, anh này than với chúng tôi do không để ý nên đã hết hạn và bị thu phí thẻ đến 1 triệu đồng/thẻ/năm! Khi sử dụng, dù trong tài khoản gốc anh có tiền, nhưng đến hạn thanh toán thì thẻ chỉ trích khoảng 10%, số còn lại tính lãi suất quá hạn rất cao.
Về phí ATM, có ngân hàng giảm phí, có ngân hàng thu cao khiến nhiều khách hàng cứ phải chạy theo khuyến mãi để được lợi hơn. Tính đến nay, các tổ chức tín dụng đã phát hành trên 130 triệu thẻ các loại, trong đó có khoảng 70 triệu thẻ thường xuyên phát sinh giao dịch. Hiện hầu hết ngân hàng đều đang thu phí với các giao dịch tại hệ thống ATM. Các ngân hàng như VPBank, HDBank, LienVietPostBank, TPBank, VIB, SHB… đang áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng sử dụng giao dịch rút tiền mặt. Còn Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank sau thời gian miễn phí, nay đã chính thức thu phí. Mức phí rút tiền ATM nội mạng tại các ngân hàng này phổ biến ở mức 1.100 đồng/giao dịch (đã gồm thuế VAT). Đối với các giao dịch ngoài hệ thống ATM ngân hàng, mức phí 3.300 đồng đang được hầu hết ngân hàng áp dụng, rất ít ngân hàng có mức phí rút tiền ngoài hệ thống thấp hơn.
Trong khi nhà nước chủ trương khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt thì khách hàng đang “mệt” với phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng thông qua hệ thống Internet Banking hoặc Mobile Banking. Dù có nhiều ngân hàng miễn phí chuyển tiền nội mạng, ngược lại chuyển tiền ngoại mạng (liên ngân hàng) thì trả phí cao. Hiện chỉ có Techcombank là miễn phí chuyển tiền ngoại mạng, các ngân hàng khác thu khoảng 10.000 đồng/giao dịch dưới 50 triệu đồng. Có ngân hàng thu đến 0,02% trên số tiền giao dịch. Chẳng hạn, Vietcombank thu 7.700 đồng/giao dịch dưới 10 triệu đồng, trên 10 triệu đồng sẽ chịu phí 0,02% giá trị chuyển (tối thiểu 11.000 đồng; tối đa 1,1 triệu đồng), như vậy nếu khách hàng của Vietcombank chuyển trên 5,5 tỷ đồng ngoài hệ thống, mức phí sẽ lên tới 1,1 triệu đồng.
Đó là chưa kể, một số ngân hàng như ACB, khi khách hàng ra ngân hàng nộp tiền vào tài khoản trên cùng địa bàn tỉnh, thành cũng bị thu phí với mức khá cao, khiến không ít người phản ứng. Do vậy, để thực hiện được chủ trương không dùng tiền mặt trong thanh toán, Ngân hàng Nhà nước phải làm đầu tàu, cung cấp dịch vụ tin học thông suốt và thống nhất mức giá để khách hàng không bị áp lực bởi phí.