Học phí các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) vừa công bố trong năm 2014 tăng khá nhiều so với năm 2013. Cùng với việc trăn trở về bài toán học phí trong suốt quá trình học, sinh viên còn gánh thêm nhiều khoản phụ phí khác theo quy định của mỗi trường.
Đồng loạt tăng học phí
Thông tin về học phí mùa tuyển sinh năm 2014 mà nhiều trường vừa công bố đã làm không ít thí sinh lẫn phụ huynh băn khoăn. ĐH Hoa Sen thông báo mức học phí chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt 3,6 - 3,9 triệu đồng/tháng (tăng 100.000 đồng/tháng so với năm 2013). Trong khi đó, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh có học phí 4,1 - 4,3 triệu đồng/tháng. Như vậy so với năm 2013, mức học phí của trường này tăng 1 triệu đồng/năm. Hệ cao đẳng mức học phí dao động từ 3,2 - 3,5 triệu đồng/tháng. Nếu như các trường khác tính học phí một năm 10 tháng thì trường này lại thông báo “học phí một năm học được tính theo biên độ 12 tháng”. Tuy nhiên, sinh viên sẽ còn mơ hồ hơn khi trường còn áp dụng mức tính theo tín chỉ, trong đó gồm tín chỉ lý thuyết và tín chỉ thực hành với mỗi loại tín chỉ một mức giá khác nhau.
ĐH Quốc tế Bắc Hà lại thông báo hẳn mức học phí mỗi năm sẽ tăng khoảng 10% so với năm học trước. Theo đó, học phí chương trình đào tạo ĐH khối ngành xây dựng và kỹ thuật: 1,1 triệu đồng/tháng, khối ngành kinh tế: 1 triệu đồng/tháng. Mỗi năm học gồm 10 tháng, thu theo số tín chỉ thực học.
Tại khu vực ĐBSCL, ĐH Tây Đô mức học phí cũng chót vót. Hệ ĐH ngành Dược đến 18 triệu đồng/học kỳ (36 triệu đồng/năm), ngành Điều dưỡng 20 triệu đồng/năm. Những ngành còn lại khoảng 10 - 13 triệu đồng/năm.
Dù học phí cao nhất nhì so với các trường ngoài công lập nhưng năm nay ĐH Quốc tế Sài Gòn tiếp tục tăng học phí so với năm 2013. Theo đó, mức học phí chương trình dạy bằng tiếng Việt khoảng 42,2 - 48,5 triệu đồng/năm (tăng hơn 1 triệu đồng so với năm 2013), chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh khoảng 109,8 - 120,3 triệu đồng/năm.
Ở ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, mức học phí trung bình năm học 2013 - 2014 là 7,4 triệu đồng/tháng (khoảng 74 triệu đồng/năm). Chưa dừng lại đó, trường này còn thông báo mức học phí này thu theo từng học kỳ và có thể biến động nhưng không quá 5%. Như vậy, có thể mức học phí này ở năm sau sẽ cao hơn 5% so với hiện nay. Ngoài học phí, những khoản thu còn lại gồm các môn như Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất, tiếng Anh… mỗi trường mỗi mức giá và thường từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/khóa.
Ngợp với phụ phí
Không chỉ lo ngại trước những khoản thu chính, khi trở thành tân sinh viên sẽ gánh thêm những khoản thu phụ với cách tính rất đa dạng và thường gọi là “loạn phí” như tiền đồng phục, đồng phục thể dục, tiền thang máy, tiền vệ sinh phí, lệ phí khám sức khỏe, phí cơ sở vật chất…
Ở mục phí khám sức khỏe, có trường thu 20.000 đồng, có trường thu 40.000 đồng, có trường thu đến vài trăm ngàn đồng. Theo đại diện một trường, để khám sức khỏe cho sinh viên, các trường thường ký kết với các đơn vị dịch vụ y tế hoặc các trạm y tế phường, xã. Nếu những đơn vị y tế công lập thì mức giá chỉ 15.000 - 20.000 đồng/sinh viên, nhưng những đơn vị tư thì lên đến vài trăm ngàn đồng. Về mức phí học tiếng Anh, mỗi trường có mức thu khác nhau. Cao nhất là học phí tiếng Anh của ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam với 37.220.000 đồng/cấp độ (4 cấp độ, mỗi cấp độ 10 tuần), ĐH FPT 9 triệu đồng/cấp độ, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM 8.780.000 đồng/cấp độ...
Khi cầm trên tay giấy báo trúng tuyển, tân sinh viên cũng hoa mắt với những khoản phí của các trường. Ngoài mức học phí, sinh viên trúng tuyển vào ĐH Mở TPHCM phải đóng bảo hiểm y tế: 290.000 đồng/12 tháng, bảo hiểm tai nạn 120.000 đồng/4 năm, lệ phí khám sức khỏe 40.000 đồng, đồng phục thể dục 110.000 đồng. Trong khi đó, ở Trường ĐH Công nghệ TPHCM, lệ phí nhập học 500.000 đồng, bảo hiểm y tế 290.000 đồng, giáo dục thể chất 300.000 đồng/tín chỉ. ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM lệ phí nhập học 300.000 đồng, CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn thu 550.000 đồng, riêng sinh viên nữ đóng thêm 290.000 đồng cho 1 bộ đồng phục áo dài.
Đối với trường ngoài công lập, học phí là bài toán dựa trên cân đối thu chi cho toàn bộ hoạt động đào tạo của nhà trường. Đối với trường công lập, học phí là gánh nặng được chia sẻ giữa nhà nước với người học. Nhưng dù là loại hình trường nào thì học phí là nghĩa vụ của người học và khi hoàn thành nghĩa vụ thì quyền lợi họ được thụ hưởng đó là “dịch vụ” đào tạo. Vì thế, những đơn vị tăng học phí theo kiểu phong trào còn chất lượng đào tạo, điều kiện học tập vẫn tệ thì khó chấp nhận được.
THANH HÙNG