Loạn tranh chấp đất rừng

Cuộc chiến tranh chấp đất rừng hỗn loạn giữa người dân và doanh nghiệp bắt đầu từ khi doanh nghiệp được giao thực hiện dự án trồng rừng, trồng cao su. Tại huyện Ea Súp (Đắc Lắc), nhiều doanh nghiệp ở đây đang đối mặt với nguy cơ mất đất dự án vì bị người dân địa phương đua nhau lấn chiếm.
Loạn tranh chấp đất rừng

Cuộc chiến tranh chấp đất rừng hỗn loạn giữa người dân và doanh nghiệp bắt đầu từ khi doanh nghiệp được giao thực hiện dự án trồng rừng, trồng cao su. Tại huyện Ea Súp (Đắc Lắc), nhiều doanh nghiệp ở đây đang đối mặt với nguy cơ mất đất dự án vì bị người dân địa phương đua nhau lấn chiếm.

  • Chiếm đất dự án

Ngày 7-7-2009, Công ty TNHH Xây dựng Gia Huy (ở TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) được UBND tỉnh Đắc Lắc giao 698ha đất tại tiểu khu 248 và 264 tại xã Ea Lê (huyện Ea Súp) để trồng rừng, trồng cao su. Nhưng trên diện tích này đã có hơn 200ha đất bị người dân địa phương lấn chiếm.

Ông Trương Đình Sỹ, Giám đốc Công ty Xây dựng Gia Huy, cho biết: “Đối với diện tích đất canh tác của 68 hộ dân xã Ea Lê và thị trấn Ea Súp lấn chiếm trong vùng dự án, công ty thống kê được có khoảng gần 200ha. Nhưng hiện nay công ty mới hỗ trợ được cho 41 hộ dân với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng trên diện tích khoảng 140ha. Diện tích còn lại chưa hỗ trợ được vì người dân không chịu đến nhận hoặc kê khai diện tích lớn hơn thực tế”. Đã thế, những hộ dân chưa nhận tiền hỗ trợ còn lôi kéo người quen tiếp tục lấn chiếm đất rừng trong vùng dự án của công ty.

Ông Đặng Phú Bình, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Ea Lê, cho biết thêm: Có một số hộ không thiếu đất nhưng vẫn vào mua đất của những người dân đã xâm canh trước đó để bán lại kiếm lời hoặc hưởng tiền đền bù của chủ đầu tư.

Cây rừng bị chặt để tận thu gỗ và lấy đất trồng cao su ở dự án của Công ty Kim Huỳnh (huyện Ea H’leo).

Cây rừng bị chặt để tận thu gỗ và lấy đất trồng cao su ở dự án của Công ty Kim Huỳnh (huyện Ea H’leo).

Cuộc chiến tranh chấp đất rừng giữa doanh nghiệp và người dân tại Công ty Xây dựng Gia Huy lên đỉnh điểm vào ngày cuối tháng 4-2011 khi cả bảo vệ công ty lẫn cán bộ xã Ea Lê đều bị hành hung.

Anh Lê Văn Công, cán bộ địa chính xã Ea Lê, kể lại: Vào lúc 14 giờ ngày 29-4, nhận được tin báo có 2 chiếc máy cày của người dân đang xâm chiếm đất Công ty Xây dựng Gia Huy tại tiểu khu 248. Xã cử anh Công, anh Trần Văn Cảnh (Phó Công an xã), anh Lê Thế Đương, Phó Chỉ huy quân sự xã và anh Trần Văn Dũng, cán bộ xã vào phối hợp với 2 bảo vệ của công ty đi kiểm tra.

Phát hiện 2 xe máy cày của người dân đang cày xới trên mảnh đất rừng vừa chặt dọn sạch cây, các anh đã gọi 2 tài xế xuống xe làm việc. Nhưng bất ngờ, ông Nguyễn Văn Sơn (ở thôn 13) đã kéo khoảng 30 người dân thôn 13, 14 và 18 đến trấn áp anh Công và anh Cảnh. Ông Sơn leo lên máy cày rú ga chạy, còn người dân lao vào đánh đoàn cán bộ xã và người của công ty, sau đó đập nát xe máy của anh Công.

  • Kẻ ít, người nhiều?

Trong số 20 dự án được giao cho doanh nghiệp trồng rừng và trồng cao su ở huyện Ea Súp với tổng diện tích hơn 16.784ha, hầu hết đều bị người dân xâm canh trái phép. UBND huyện Ea Súp cho biết, tính đến tháng 7-2011, tổng diện tích rừng bị phá trên địa bàn huyện đã lên tới hơn 1.820ha. Trong đó, điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng là các xã Ya Tờ Mốt, Cư M’lan, Cư K’bang, Ea Rốc, Ea Bung…

Lý giải nguyên nhân rừng bị lấn chiếm và bị phá, ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, cho rằng: “Các doanh nghiệp sau khi nhận quản lý bảo vệ rừng chưa xây dựng được đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, chậm triển khai dự án. Do đó, xảy ra tình trạng tranh chấp đất rừng với người dân”.

Nhưng theo ông Đặng Phú Bình, việc người dân lấn chiếm, phá rừng trái phép tại các dự án trồng rừng, trồng cao su là do họ thấy doanh nghiệp được giao quá nhiều đất. Khi dự án của doanh nghiệp bắt đầu khảo sát, người dân lo sợ mất hết đất sản xuất và nhảy vào xâm chiếm đất các dự án.

Ngay tại xã Ea Lê, khi Công ty Xây dựng Gia Huy được phép khảo sát tiểu khu 248 và 264 vào năm 2007, người dân mới bắt đầu đua nhau phá và lấn chiếm đất rừng. Trong khi trước đó, từ năm 2000 - 2007, lúc chính quyền xã Ea Lê được giao quản lý 2 tiểu khu trên, rừng không hề bị phá.

“Năm 2001, UBND xã đã làm tờ trình gửi huyện đề nghị cho chuyển đổi đất lâm nghiệp tiểu khu 248 và 264 sang đất nông nghiệp để người dân lấy đất sản xuất vì họ chỉ có lúa một vụ. Nhưng không hiểu sao, cả huyện và tỉnh đều không trả lời, rồi đột nhiên giao cho Công ty Xây dựng Gia Huy”, ông Bình thắc mắc.

Như vậy, cuộc chiến tranh chấp đất rừng giữa người dân với doanh nghiệp ở huyện Ea Súp nói riêng cũng như tỉnh Đắc Lắc nói chung sẽ không có hồi kết nếu không giải quyết hài hòa được lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong việc giao đất, giao rừng.

Trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc hiện có 43 dự án trồng cao su với tổng diện tích 30.857ha, trong đó đã có 21 dự án được giao đất với diện tích 13.790ha. Nhưng sau 5 năm giao chuyển đổi đất rừng trồng cao su, các dự án mới chỉ trồng được 3.790ha cao su.

Trong khi đó, theo thống kê của UBND tỉnh Đắc Lắc, 5 năm qua tỉnh đã để mất 8.533,7ha rừng, bình quân mỗi năm mất 1.706,7ha. Nguyên nhân mất rừng nhiều nhất do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích khác (để làm công trình giao thông, thủy điện, thủy lợi, trồng cao su…) 8.093ha, chiếm 94,8% tổng diện tích rừng đã mất.


CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục