Loạt giải pháp phát triển kinh tế - xã hội TPHCM những tháng cuối năm

Chiều 30-10, UBND TPHCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2023.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì phiên họp.

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, phiên họp nhằm thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và nhiệm vụ giải pháp cần tập trung từ nay đến cuối năm để “chạy nước rút” hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.

Phiên họp cũng sơ kết việc thực hiện Quyết định số 2536 về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành thuộc UBND TPHCM, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Từ đó, xác định các giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Liên quan nội dung này, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ thêm, sáng nay 30-10, Ban cán sự đảng UBND TPHCM đã cho ý kiến về quy chế làm việc của UBND thành phố. Trong đó thống nhất việc đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ UBND TPHCM đến sở, ban, ngành thành phố và các quận, huyện, TP Thủ Đức. Đồng thời áp dụng mạnh mẽ hơn quy trình điện tử để giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Báo cáo về tình kinh tế - xã hội TPHCM tháng 10, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, kinh tế TPHCM tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, số lượng doanh nghiệp có tăng về số lượng nhưng số vốn giảm, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng. Giải ngân vốn đầu tư công dù đứng thứ 3 trong cả nước nhưng mới đạt 35% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại vẫn đang ở mức thấp so với mục tiêu ngân hàng Nhà nước đề ra (14%), cho thấy quá trình phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa mạnh mẽ.

Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM nhìn nhận các tháng còn lại của năm cực kỳ quan trọng cho giai đoạn chạy nước rút thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm. Do đó, TPHCM đặt ra 10 giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2023 của thành phố; chuẩn bị tổng kết nhiệm vụ năm 2023. Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15; phối hợp đồng bộ, hoàn thiện nội dung trình HĐND TPHCM.

TPHCM nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ giải ngân đầu tư công, chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước thành phố, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 ở mức cao nhất.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp để quản lý và bồi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật; đồng thời tích cực giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bên cạnh đó, TPHCM đẩy mạnh cải thiện chỉ số PCI, PAPI, PAR Index; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính thành phố cuối năm 2023. Cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, lĩnh vực đô thị.

Cùng với đó, triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường, phát triển du lịch dịp cuối năm. Đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và xã hội; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chuẩn bị nội dung, hoạt động dịp Tết 2024…

Báo cáo sơ kết công tác thực hiện Quyết định 2536 của UBND TPHCM, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho hay, trên cơ sở kế hoạch của UBND TPHCM, công tác phối hợp của các đơn vị được chú trọng hơn; các sở, ban, ngành, địa phương chủ động hơn trong việc phối hợp lấy ý kiến và phản hồi. Trách nhiệm của cơ quan đơn vị được phân công chủ trì, cơ quan phối hợp cũng được quy định cụ thể.

Dù vậy, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như một số văn bản đề nghị lấy ý kiến có thời gian quá ngắn, trong khi nội dung góp ý cần phải nghiên cứu nhiều văn bản pháp luật có liên quan dẫn đến công tác phối hợp chưa đạt như mong muốn. Bên cạnh đó, công văn lấy ý kiến còn dàn trải, trong đó có những cơ quan không liên quan.

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ đó, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp. Trong đó, các cơ quan, đơn vị chủ trì lấy ý kiến cần rà soát, tập trung đúng trọng tâm, lĩnh vực theo chức năng và cân nhắc thời gian đủ để cơ quan được lấy ý kiến nghiên cứu nội dung nhằm nâng cao chất lượng phối hợp tham mưu.

Cơ quan phối hợp trong vòng 7 ngày (trước đây 15 ngày) phải có văn bản phúc đáp và chú trọng đầu tư chất lượng góp ý. Nếu quá thời hạn nhưng chưa nhận được phản hồi, cơ quan chủ trì phải tổng hợp, báo cáo những cơ quan không phối hợp để làm cơ sở đánh giá kết quả hoàn thành công việc vào cuối năm. Bên cạnh đó, giảm các cuộc họp không cần thiết, chủ tịch các địa phương, sở ngành chủ động xây dựng quy chế phối hợp; nghiên cứu đơn giản hóa quy trình xử lý văn bản đến, văn bản đi.

Tình hình kinh tế - xã hội TPHCM tháng 10 và 10 tháng năm 2023:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 108.120 tỷ đồng (tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 15% so với cùng kỳ). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2023 ước đạt 978.681 tỷ đồng (tăng 9,2% so với cùng kỳ).

Tổng thu du lịch tháng 10 ước đạt 14.585 tỷ đồng (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022). Khách du lịch nội địa ước đạt 3,51 triệu lượt (tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2022); khách quốc tế ước đạt 554.536 lượt (tăng 1,5% so cùng kỳ năm 2022). Lũy kế 10 tháng năm 2023, tổng doanh thu ước đạt 140.048 tỷ đồng (tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 16,7% so với kế hoạch năm 2023). Khách du lịch nội địa ước đạt khoảng 30,51 triệu lượt (tăng 22,6%); khách quốc tế ước đạt 4,12 triệu lượt (tăng 55,3% so cùng kỳ năm 2022).

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn TPHCM tăng 3,7% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 10 tháng tăng 6,3% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 10, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố đã giải ngân là 24.199 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 35% tổng số vốn giao. Thành phố đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo Ban Thường vụ. Qua đó, tiếp tục đề ra giải pháp khắc phục các hạn chế, thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Về thành lập doanh nghiệp, 10 tháng năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới là 42.670 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới là 386.579 tỷ đồng, tăng 15,2% về số lượng và giảm 4,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Có 97.096 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký bổ sung là 228.876 tỷ đồng, giảm 53,1% so với cùng kỳ. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung trong 10 tháng năm 2023 là 615.455 tỷ đồng, giảm 31,1% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 ước đạt 372.708,110 tỷ đồng, đạt 79,35% dự toán và bằng 91,85% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 271.173,396 tỷ đồng, đạt 83,81% dự toán, bằng 93,87% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 101.529,100 tỷ đồng, đạt 69,64% dự toán, bằng 86,85% so cùng kỳ.

Tin cùng chuyên mục