Hiểu đơn giản của việc đưa cách tính 1 giá điện là khách hàng dùng bao nhiêu thì cũng chỉ có 1 mức giá (mức đề xuất là 145% giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, tức khoảng 2.703 đồng/kWh, chưa gồm thuế giá trị gia tăng).
Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có “sáng kiến” này có lẽ là do trong thời gian qua, dư luận liên tục phản ứng với cách tính giá điện 6 bậc thang không hợp lý khi nhiều gia đình phải nhận hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường, nhất là khi nắng nóng. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước và “nhà đèn” mới bổ sung phương án “điện 1 giá” để khách hàng tự lựa chọn.
Nhưng, sau khi có đề xuất này, dư luận lại cảm thấy hoang mang vì không biết nên chọn phương án điện 1 giá hay 5 bậc thang? Cách nào lợi hơn? Phân tích cơ cấu mà Bộ Công thương nêu ra thì thấy, nếu áp dụng điện 1 giá, những người dùng nhiều sẽ có lợi hơn, người dùng ít sẽ bị thiệt, không khuyến khích tiết kiệm điện. Bởi theo cách tính này, một hộ gia đình dùng tới 701kWh/tháng trở lên (bậc 5) cũng vẫn chỉ áp giá chung là 2.703 đồng/kWh (nếu đăng ký điện 1 giá) thay vì 5.109 đồng/kWh (phương án 5 bậc thang). Trong khi, những hộ gia đình nghèo, thu nhập thấp đến trung bình thường cố gắng tiết kiệm điện để không phải nộp nhiều tiền điện mỗi tháng nên chỉ thường nằm ở bậc 1 và 2 (từ 200kWh/tháng trở xuống). Nếu dùng nhiều (vào mùa nắng nóng) mới lên bậc 3 (201-400kWh). Như vậy là không công bằng giữa người dùng ít và người dùng nhiều!
Thêm nữa, những hộ gia đình có thu nhập thấp đến trung bình muốn chọn biểu giá 5 bậc để tiết kiệm tối đa tiền điện mỗi tháng cũng không tâm phục khẩu phục. Bởi theo đề xuất hiện nay thì biểu giá của bậc 1 (0-100kWh/tháng) lại được tính bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân (tức là giá điện áp cho bậc 1 sẽ là 1.678 đồng), còn giá cao nhất (áp cho bậc 5) lại tới 5.109 đồng. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là “giá bán lẻ điện bình quân” (lâu nay được công bố là 1.864,44 đồng/kWh) được tính trên cơ sở nào? Tại sao mức giá bậc 1 như dự thảo lại chỉ kém mức bình quân có 186 đồng/kWh, trong khi cơ cấu tới 5 bậc?
Mặt khác, “nhà đèn” cũng đang đề xuất mức giá điện bán lẻ cho bậc 3 (201-400kWh/tháng - phần lớn các gia đình trung lưu tiêu thụ điện ở mức này) lên tới 2.629 đồng/kWh, tức là gần bằng với biểu giá điện 1 giá của người dùng nhiều. Như vậy lại càng không công bằng giữa người giàu và người nghèo, người có thu nhập trung bình. Chắc chắn người giàu, tiêu thụ nhiều năng lượng sẽ chọn cách tính điện 1 giá để chỉ mua điện với giá 2.703 đồng/kWh. Còn người nghèo, thu nhập thấp đến trung bình, không ai muốn đăng ký điện 1 giá nên sẽ lựa chọn cơ cấu 5 bậc thang để tiết kiệm tối đa tiền điện.
Phân tích kỹ cơ cấu biểu giá điện mà Bộ Công thương đang đề xuất cũng cho thấy, cách tính mới này sẽ “phá tan” chính sách tiết kiệm điện. Bởi các gia đình trung lưu đang tiêu thụ điện ở khoảng bậc 3 và 4 (201-400kWh) sẽ chuyển sang đăng ký điện 1 giá vì biểu giá của bậc 3 chỉ kém điện 1 giá vài chục đồng/kWh nên có thể dùng nhiều điện mà không còn lo bị tính tiền theo bậc thang.
Rõ ràng, dự kiến thay đổi của cơ quan quản lý và ngành điện, nhất là trong đề xuất phương án 1 giá là chưa ổn và cần phải có sự điều chỉnh lại. Phương án đưa ra rối rắm nhưng dường như chưa hướng đến mục tiêu khuyến khích tiết kiệm điện. Nhìn rộng hơn, có lẽ, giá điện ở Việt Nam chỉ hợp lý, cơ cấu biểu giá và cách tính giá chỉ thực sự minh bạch khi xóa được tình trạng độc quyền; giá điện được thẩm định bởi hội đồng độc lập ngoài EVN, với sự tham gia của nhiều thành phần như các chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế, người dân, doanh nghiệp... Mặt khác, EVN cũng cần minh bạch hoạt động kinh doanh, các chi phí cấu thành giá bán điện để người dân được giám sát khi công bố biểu giá điện.
Trên tất cả, dư luận đang tự hỏi, Bộ Công thương đang vì doanh nghiệp ngành mình hay vì lợi ích của người dân?