Lộc biển đầu xuân

Hối hả ra khơi
Lộc biển đầu xuân

Bên cạnh việc đóng quỹ hỗ trợ lẫn nhau mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại, ngư dân vùng biển Cửa Việt (Quảng Trị) còn chia sẻ ngư trường khai thác. Từ cách làm hiệu quả này không ít ngư dân trở thành tỷ phú.

Thương lái thu mua những mẻ cá tươi rói tại cảng cá Cửa Việt vừa được đưa lên từ các tàu đánh bắt xa bờ.

Thương lái thu mua những mẻ cá tươi rói tại cảng cá Cửa Việt vừa được đưa lên từ các tàu đánh bắt xa bờ.

Hối hả ra khơi

Không khí khẩn trương chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm của ngư dân làm cho Cảng cá Cửa Việt trở nên nhộn nhịp hơn. Vừa hướng dẫn cho các thuyền viên chuyển cá từ tàu lên bờ sau chuyến ra khơi đầu xuân Giáp Ngọ, anh Hồ Văn Thà - ngư dân ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, chủ 2 chiếc tàu giã cào nói oang oang: “Dù biển động hay êm, chúng tôi vẫn ra khơi đều đặn. Mùa sóng lớn, anh em vất vả hơn, thậm chí có chuyến do tránh bão, hết lương thực đành về không. Nhưng bù lại có những chuyến khác khá hơn”.

Giọng anh chùng hẳn khi nghe hỏi về những thách thức phía trước? Anh Thà nói: “Nguồn thủy hải sản ngày càng khan hiếm, hiểm nguy từ thiên tai, nhân tai luôn rình rập buộc ngư dân miền Trung nói chung và ngư dân Cửa Việt nói riêng phải nhạy bén để thích nghi với điều kiện đánh bắt mới… Dù được trang bị máy dò ngang sonar hiện đại nhưng cũng chỉ dò được luồng cá xung quanh thân tàu mà thôi. Biển thì rộng bao la nhưng cá, mực đi có luồng. Vậy tìm luồng cá ở đâu? Mỗi khi ra khơi không đơn thuần cứ ra đến biển quăng lưới xuống là có cá, mực mang về. Muốn biết vị trí luồng cá, đòi hỏi người thuyền trưởng phải có kinh nghiệm, có cách nhìn nhận, phán đoán dòng hải lưu, hướng gió. Cũng bởi vậy mà nhiều ngư dân không chia sẻ thông tin ngư trường với tàu bạn” - anh Thà cho hay.

Thế nhưng, đối với ngư dân ở Quảng Trị không hề có chuyện bán luồng cá. Họ không chỉ đóng quỹ hỗ trợ lẫn nhau mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại, mà còn chia sẻ, cùng nhau khai thác ngư trường... để cùng nhau bám biển.

Làng chài “lột xác”

Dọc đường xuyên Á từ TP Đông Hà đi về thị trấn Cửa Việt, đâu đâu cũng thấy mùi tanh nồng đặc trưng của cá biển tươi đang được ngư dân hấp, phơi khô khiến nhiều người qua đường cảm thấy khó chịu. Nhưng cái mùi đặc trưng ấy đang tạo ra sức hút kỳ diệu thôi thúc ngày càng nhiều thương gia nước ngoài đến đây làm ăn, buôn bán. Hình ảnh những thương gia đầu tư xây dựng các kho bãi lớn thu mua cá hấp, khô xuất khẩu tại Cửa Việt đã mở ra cơ hội làm ăn cho ngư dân vùng biển này.

Trong đó, xã Gio Việt, huyện Gio Linh có đến hàng trăm lò hấp. Mỗi lò chế biến 2-3 tấn cá thành phẩm/ngày. Cá từ biển về được ướp muối, hấp chín, phơi khô trên các vỉ lưới trong sân, trên mái nhà, dọc theo lề đường… Ở mỗi lò, hàng chục lao động phải làm từ sáng sớm đến tối mới xong một mẻ. Khi cá về nhiều họ phải ở lại làm cả đêm với thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

Ông Nguyễn Thanh Thương, Chủ tịch UBND xã Gio Việt cho biết, nhiều gia đình ngư dân đang đếm tiền từng ngày từ những lò hấp cá. Không ít ngư dân thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Nhờ cá phơi khô xuất khẩu mà nhiều ngư dân có tiền làm nhà đến 3-4 tỷ đồng. Nghề hấp cá phát triển đã kéo theo một loạt nghề khác cùng phát triển theo như buôn bán muối, chất đốt, thợ mộc đóng tàu đi biển...

Minh chứng là huyện Gio Linh có bờ biển dài trên 15km với gần 20.000 dân sống chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Tổng sản lượng đánh bắt thủy hải sản toàn huyện năm trước đạt hơn 12.000 tấn, chiếm 1/2 tổng sản lượng toàn tỉnh Quảng Trị nhưng vẫn không đủ nguồn nguyên liệu khiến các chủ lò hấp cá trên địa bàn xã Gio Việt phải đi thu mua thêm ở các tỉnh lân cận.

Từ tứ bề chỉ có cát và phi lao cằn cỗi, các làng chài gắn với nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản ở thị trấn Cửa Việt và các xã Gio Mai, Gio Việt của huyện Gio Linh đang bắt đầu trở nên sầm uất bên đường xuyên Á.

Công trình cầu Cửa Việt - cầu đường bộ lớn nhất tỉnh Quảng Trị hiện nay được xây dựng bằng bê tông cốt thép gồm 12 nhịp dài 806m, mặt cầu rộng 12m. Cầu nối liền hệ thống giao thông ven biển dài 73km phía Đông của tỉnh Quảng Trị, nối liền hai cảng biển lớn là Cửa Việt và Cửa Tùng và thông với quốc lộ 9 giúp cho việc lưu thông cũng như vận chuyển hàng hóa của ngư dân nơi đây thuận lợi để khai thác các tiềm năng của vùng cát ven biển.

VĂN THẮNG - TÔ HIỀN

Tin cùng chuyên mục