Mừng lễ Quốc khánh, du khách nhộn nhịp ở những khu danh lam thắng cảnh thì tại các làng biển xã Phước Diêm và Cà Ná (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), dọc quốc lộ 1A cũng nườm nượp các loại xe bán tải, xe máy, ba gác, xe đạp... đua nhau chở cá từ cảng về các lò sấy, lò hấp.
Lộc từ biển cả
Không giấu được vẻ mặt rạng ngời khi những mẻ cá đầu tiên về cảng liên tục đầy ghe, lão ngư Đinh Văn Giác, thôn Diêm Thượng 1, xã Phước Diêm, tâm sự: “Chiều đi, sáng về, nhưng cá đầy ghe. Hơn mười ngày nay, ngày nào cũng trúng cá, mỗi chuyến biển lãi vài chục triệu đồng, thậm chí các hộ có ghe lớn lãi cả trăm triệu – đó là lộc của biển”.
Theo các ngư dân xã Phước Diêm, mùa này ngư dân trong xã đang vào chính vụ đánh bắt cá cơm. Theo đó, từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch nhiều cá nhất, sản lượng đánh bắt tăng gấp 5 - 6 lần những tháng khác.
Thống kê của xã Phước Diêm cho thấy, hiện số lượng tàu thuyền trên địa bàn xã có khoảng 400 chiếc, với tổng công suất trên 72.000 mã lực. Trước đây, số lượng tàu thuyền gần gấp đôi nhưng tổng mã lực cũng chỉ tương đương hiện nay.
Ông Phạm Đứng, một ngư dân có thâm niên và tâm huyết tìm ra cách khai thác cá cơm hiệu quả, nhớ lại: “Gần 30 năm trước tôi đến Phước Diêm với hai bàn tay trắng. Hồi đó, ngư dân địa phương chủ yếu sống bằng các nghề vây rút chì, mành, câu mực… nên thu nhập rất hạn hẹp, thậm chí lỗ vốn. Từ khi nghề được cải tiến - chuyển sang đánh bắt cá cơm bằng pha - xúc, đời sống của bà con khá hẳn lên, thậm chí làm giàu. Mỗi chuyến ra khơi trở về, nhiều tàu cập cảng với hàng chục tấn cá trong khoang. Với 4 thuyền khai thác cá cơm, mấy ngày này mỗi thuyền ra khơi đều mang về cho gia đình tôi khoản lời hơn trăm triệu đồng”.
Ông Đứng cho biết thêm, từ khi phát triển nghề pha - xúc cá cơm, xã xuất hiện nhiều lão ngư tỷ phú như ông Nguyễn Văn Bông, Trương Văn Tốn, Triệu Ba, Phạm Bỏ... Họ sở hữu những đoàn tàu trị giá hàng chục tỷ đồng. Tàu pha - xúc dùng đèn công suất lớn. Ban đêm, khi tàu chong đèn, cả vùng biển sáng rực, ánh sáng dụ cá cơm từ lòng biển trồi lên, từ xa tụ về dày đặc. Tàu chỉ cần dùng lưới để xúc, rồi dùng ròng rọc kéo cá đổ vào khoang. 10 năm trước, ai có tàu 45CV đã “oách” lắm, nhưng bây giờ, toàn xã có hàng trăm chiếc 100 - 500CV.
Tạo nên những đặc sản
Khách ngược xuôi Bắc - Nam, khi qua địa phận xã Cà Ná, huyện Ninh Phước (giáp ranh với huyện Tuy Phong - Bình Thuận) không chỉ được ngắm nhìn bãi biển Cà Ná (xã Cà Ná), một trong những bãi biển đẹp và thơ mộng nhất tỉnh Ninh Thuận mà còn biết đến nơi đây với một dãy phố trưng bày các loại nước mắm nhỉ có độ đạm cao... chẳng thua gì nước mắm Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Theo thống kê, hàng năm ngư dân Cà Ná đánh bắt hơn 31.000 tấn hải sản, nhiều nhất là cá cơm, tiêu thụ trong tỉnh và các địa phương lân cận. Từ nguyên liệu cá cơm, Cà Ná phát triển mạnh hai nghề: làm nước mắm và cá cơm hấp xuất khẩu sang Trung Quốc cũng nhiều thị trường khác. Hiện toàn xã hiện có trên 60 hộ sản xuất nước mắm có thương hiệu, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục triệu lít nước mắm các loại.
Anh Lê Hồng Vân, chủ cơ sở nước mắm Nhật Tân cho biết, gia đình anh đã có hơn 30 năm làm nước mắm, cơ sở nước mắm này do cha anh để lại và anh tiếp tục phát triển nghề truyền thống của gia đình.
Đến với nghề hấp cá cơm. Ngày chúng tôi đến đây, không khí làm việc tại các lò hấp cá vẫn đông nịt người cho dù trời đã đứng bóng, nắng và gió Ninh Thuận như thiêu đốt người. Tại lò hấp cá của chị Phạm Thị Gái, thôn Lạc Sơn 3, chị Gái cho biết, do nguồn cá về nhiều hơn dự tính nên phải huy động nhân công tăng tốc hấp cá, do đó kế hoạch đặt ra trong ngày là 50 tấn cá, nay phải tăng thêm một nửa số đó để xuất khẩu.
Đa số lượng cá cơm từ Cà Ná xuất khẩu qua Trung Quốc là chính. Những giao dịch buôn bán thường do quen biết, tin cậy lẫn nhau chứ không ký hợp đồng. Thương nhân Trung Quốc đặt cọc một số tiền, bán hàng xong họ sẽ trả nốt.
| |
VĂN NGỌC