Lợi ích cho tương lai

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Indonesia đã trải qua một giai đoạn phát triển hỗn loạn trong suốt 10 năm qua với biến cố lớn nhất là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Khai thác dầu mỏ của nước này từng là một trong những ngành có tỷ lệ đóng góp cao nhất cho nền kinh tế, song tỷ lệ này đã giảm nghiêm trọng, nhất là sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong giai đoạn 2014-2015.

Trang mạng ASEAN Post dẫn lời một số chuyên gia kinh tế nhận định, dù nền kinh tế Indonesia đang trên đà phát triển cùng với nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, nhưng ngành dầu mỏ của nước này đang dần bị thu hẹp. Sự không ổn định trong chính sách khiến các nhà đầu tư chán nản, rút lui khỏi thị trường, trong khi nguồn dầu mỏ đang dần cạn kiệt và công tác thăm dò mỏ dầu mới còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, những khó khăn này có thể là cơ hội để Indonesia dần rút khỏi lĩnh vực khai thác nhiên liệu hóa thạch và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực khai thác năng lượng tái tạo.

Indonesia chuyển hướng sang năng lượng tái tạo để giảm dần sử dụng năng lượng hóa thạch
 Hiện Indonesia đang tập trung củng cố khai thác các nguồn tài nguyên địa nhiệt. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Indonesia là nhà sản xuất năng lượng địa nhiệt lớn thứ 3 trên thế giới. Bộ Năng lượng Indonesia có kế hoạch nâng công suất sản xuất địa nhiệt của quốc gia lên 5.000MW vào năm 2025. Sự gia tăng năng lượng địa nhiệt có thể làm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Indonesia. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia tuyên bố đang tìm cách chuyển đổi các nhà máy lọc dầu cũ thành các nhà máy diesel sinh học và hy vọng rằng động thái này sẽ làm giảm việc nhập khẩu năng lượng cũng như cải thiện thâm hụt ngân sách hiện nay.


Trong một báo cáo năm 2017, Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) nhấn mạnh rằng Indonesia đã đặt mục tiêu sẽ sử dụng 23% năng lượng tái tạo vào năm 2025 và sẽ tăng lên 31% vào năm 2050. 3 công ty than hàng đầu Indonesia gồm Adaro Energy, Indo Tambangraya Megah (ITMG) và Bukit Asam đều đã công bố kế hoạch thâm nhập vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. ITMG có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo bắt đầu từ năm tới và đặt mục tiêu nâng mức đóng góp của lĩnh vực này lên mức tương đương 20% tổng doanh thu của công ty. Trong khi đó, công ty phát triển nhà máy điện Adaro Power, một thành viên của Adaro Energy, hiện vận hành một hệ thống năng lượng Mặt trời có công suất 100kW và đang nghiên cứu kế hoạch xây dựng một nhà máy điện Mặt trời có công suất 100MW ở đảo Sumatra. Bukit Asam cũng đã tham gia vào đấu thầu 3 dự án điện Mặt trời có công suất 30MW, 33,68MW và 35MW ở đảo Sumatra thông qua công ty con Bukit Energi Investama.

Theo IRENA, Indonesia có khả năng đạt được những mục tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo sớm hơn dự kiến. Việc theo đuổi mục tiêu trên sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế như giảm chi phí cho hệ thống năng lượng, cũng như chi phí ô nhiễm không khí và khí thải CO2, giúp nước này tiết kiệm hơn 53 tỷ USD/năm, tương đương khoảng 1,7% GDP vào năm 2030. Còn ASEAN Post cho rằng nếu chuyển hướng thành công sang phát triển ngành năng lượng tái tạo, Indonesia sẽ không chỉ tiết kiệm cho ngân sách quốc gia mà còn tạo ra lợi ích to lớn cho các thế hệ tương lai.

Tin cùng chuyên mục