Lợi ích dài lâu

Hàn Quốc bất ngờ quyết định duy trì Hiệp định Bảo đảm thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản, ngay trước thời điểm thỏa thuận này hết hiệu lực ngày 23-11.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo (phải) và Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Yasumasa Nagamine tại lễ ký Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA) ở Seoul ngày 23-11-2016. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo (phải) và Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Yasumasa Nagamine tại lễ ký Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA) ở Seoul ngày 23-11-2016. Ảnh: TTXVN

Giới phân tích nhận định, Seoul đã tạm gác những bất đồng về các vấn đề lịch sử và thương mại với Tokyo cùng với những rủi ro về mặt đối nội để đưa ra một lựa chọn mang tính chiến lược nhằm duy trì sự ổn định của liên minh quân sự ba bên Nhật - Mỹ - Hàn trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Sau khi Hàn Quốc thông báo quyết định trên, Nhật Bản và Mỹ đều bày tỏ sự hoan nghênh. 

Nhật Bản và Hàn Quốc ký GSOMIA năm 2016 chủ yếu để ứng phó các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hiệp định này rất quan trọng bởi nó giúp khắc phục điểm yếu của 2 nước trong việc đối phó với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, các vệ tinh cảnh báo sớm của quân đội Mỹ sẽ nhanh chóng phát hiện ngay.

Sau đó, Mỹ chia sẻ các thông tin như địa điểm phóng và quỹ đạo của tên lửa cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF). SDF sẽ sử dụng các tàu tuần dương lớp Aegis trên biển Nhật Bản và các trạm radar trên đất liền theo dõi tên lửa của Triều Tiên và xác định vị trí rơi cùng các thông số kỹ thuật của nó.

Tuy nhiên, các radar của Nhật Bản không thể phát hiện các tên lửa tầm ngắn hoặc các tên lửa bay với quỹ đạo thấp, và nếu không được tiếp cận dữ liệu radar của quân đội Hàn Quốc, trong một số trường hợp, Tokyo có thể sẽ không xác định được tầm xa, độ cao so với mặt biển hay loại tên lửa được phóng đi. Ngược lại, các radar của Seoul thường không thể theo dõi các tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Nhờ GSOMIA, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể trao đổi, so sánh các thông tin nhằm dễ dàng đưa ra một bức tranh toàn cảnh chính xác về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

GSOMIA được gia hạn tự động hàng năm, nhưng 2 nước cũng có thể rút khỏi thỏa thuận bằng cách thông báo trước ngày 24-8. Thỏa thuận này đã được gia hạn 2 lần vào các năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, ngày 22-8, giữa lúc căng thẳng Nhật - Hàn leo thang, Hàn Quốc quyết định rút khỏi GSOMIA, đồng nghĩa hiệp định này sẽ hết hạn vào đêm 22-11 (giờ Nhật Bản).

Tokyo đã nhiều lần đề nghị Seoul nối lại GSOMIA do lo ngại việc chấm dứt hiệp định này có thể gây trở ngại cho khả năng của 2 nước trong hoạt động giám sát, theo dõi và đánh giá các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và có thể dẫn tới những rạn nứt trong quan hệ đồng minh an ninh chiến lược Nhật - Mỹ - Hàn, từ đó dẫn tới những thay đổi lớn trong các cấu trúc kinh tế và an ninh đã tồn tại ổn định từ lâu trong khu vực. Hơn thế, sự ổn định của quan hệ Nhật - Hàn là trụ cột của quan hệ Nhật - Mỹ - Hàn, vốn thuộc lợi ích chiến lược của Mỹ, nên Washington không thể để quan hệ Nhật - Hàn xấu đi nữa.

Dù quan hệ Nhật - Hàn tồn tại nhiều bất đồng, nhưng đôi bên vẫn tìm cách duy trì những kênh hợp tác nhất định trong những lĩnh vực đem lại lợi ích cho nhau.

Tin cùng chuyên mục