Theo thống kê, hơn 4.500 trẻ em đã thiệt mạng tại Gaza kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7-10. Trung bình mỗi 10 phút có 1 đứa trẻ ở Gaza tử vong, nếu không vì bom đạn thì cũng vì không được chăm sóc y tế cần thiết. Những điều trẻ em Gaza hay ở bất kỳ nơi nào có xung đột phải chịu đựng chính là sự thực đau đớn nhất, nhắc nhở với thế giới rằng, nhiệm vụ bảo vệ quyền cho những công dân nhỏ tuổi vẫn chưa được hoàn thành, cho dù đó là quyền cơ bản nhất - quyền được sống.
Báo cáo của Liên hợp quốc về bạo lực trẻ em năm 2023 nêu rõ, trẻ em ngày càng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của tình trạng bạo lực. Đó là chưa kể những xu hướng trên toàn cầu như công nghệ số, biến đổi khí hậu, xung đột kéo dài và di cư diện rộng đang thay đổi hoàn toàn tuổi thơ của các em, dẫn tới những mối đe dọa mới. Internet sẽ tiếp tục phân mảnh và dẫn đến sự chênh lệch lớn hơn đối với trẻ em trong mục tiêu tạo sự cởi mở, công bằng và hòa nhập cho trẻ em. Quản trị dữ liệu cho trẻ em, bảo vệ trẻ em trong các cuộc xung đột mạng đã trở thành những lĩnh vực ưu tiên mới.
Hàng triệu trẻ em trên thế giới không được hưởng các quyền cơ bản trong bối cảnh những cú sốc kinh tế, chính trị… xảy ra đồng thời ngày càng phụ thuộc lẫn nhau mạnh mẽ và gia tăng trong một thế giới ngày càng hội nhập. Đây là lý do mà Ngày quốc tế Trẻ em năm nay, UNICEF lấy chủ đề là “For every child, every right” (Bảo đảm mọi quyền lợi cho mỗi trẻ em) như một lời nhắc nhở sâu sắc: Mọi trẻ em, ở bất kỳ đâu, đều có quyền được sống trên một thế giới hòa bình.
Lộ trình đã được vạch ra, sứ mệnh thực hiện của Công ước về quyền trẻ em cũng mang lại nhiều tiến bộ vượt bậc, nhưng nếu các biện pháp ứng phó sắp tới tiếp tục không đáp ứng thực tiễn, thì mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt mọi hình thức bạo lực nhằm vào trẻ em còn xa vời.