Lời nói đi đôi với việc làm là một trong những đạo lý làm người mà Bác Hồ mãi mãi là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo.
Ở Bác Hồ, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn. Hơn nữa, Người nói ít, nhưng làm nhiều, có những vấn đề đạo đức Người không nói mà chỉ làm. Bác nêu cho cán bộ đảng viên một luận điểm quan trọng “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ Cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý. Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”…
Người đề nghị toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói, thì Người thực hiện: “Lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến người đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Những năm sống và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch, Bác đề nghị và thực hiện, chiều thứ bảy hàng tuần Bác ăn cháo để bớt đi một chút khẩu phần gạo góp thêm cho người nghèo.
Khi khuyên cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính, phải thật sự là người đầy tớ của nhân dân, thì chính Bác làm gương trước sống giản dị, thanh bạch, khiêm tốn để làm đúng điều mình dạy: “Cán bộ Đảng, chính quyền ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính”. Bởi thế, việc Người làm là khước từ ở ngôi nhà sang trọng thuộc thời Toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ Toàn quyền Pháp thời đó - đến khi nhận một chút tài sản của Đảng, của dân dành cho thì Người đã nhận một ngôi nhà sàn đúng như điều Người đã nói: “Riêng về phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá trồng rau... không dính líu gì đến vòng danh lợi”.
Bác Hồ làm những việc như thế, để thực hiện điều Người nói: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện, cần, kiệm, liêm, chính”. Và Bác là tấm gương sáng, bởi vì Bác đã sống một cuộc đời đúng như điều Người dạy: “Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo, nhưng cuộc sống vật chất hết đời người là hết. Còn tiếng tăm tốt xấu truyền đến ngàn đời sau”. Cán bộ ta nếu làm theo được những việc làm trên của Bác thì sẽ thật sự là quan liêm - mà quan liêm thì dân hạnh phúc và sẽ đẩy thuyền đi, và sẽ chẳng có những loại quan tham - mà quan tham nhiều thì dân khổ, nước nguy.
Bác Hồ dạy chúng ta “Đem lòng chí công mà đối với người, với việc”, “Làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước”, “Không ham người tâng bốc mình”, thì Người nêu tấm gương sáng sống chân thành khiêm tốn, sống cho dân, vì dân, sống cho đời chứ không sống cho mình: Vào dịp ngày sinh của mình, Người thường tìm cách vắng nhà để tránh việc mọi người đến chúc thọ, tặng quà. Bác làm việc này để thực hiện điều Người dặn các cơ quan, các địa phương là đến ngày sinh của Người không tổ chức kỷ niệm chúc thọ Người để tránh lãng phí thời giờ, tiền bạc...
Bác răn mọi người sống trong sạch, không tham lam, không ham tiền tài danh vọng, không cậy quyền thế mà ăn của đút, đục khoét, thì Bác đã làm những việc quang minh chính đại, để cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức, có quyền làm theo gương Bác. Đồng bào Thái Bình gửi biếu Bác 2 chai nước mắm, Bác san sẻ quà đó với người khác cùng hưởng: “Hôm chủ nhật đồng bào Thái Bình có cho tôi 2 chai nước mắm làm bằng tôm. “Vật khinh tình trọng”, từ chối không được, tôi phải nhận lấy cho bằng lòng anh em. Nay tôi xin gửi biếu Cụ 1 chai, và xin chúc Cụ mạnh khoẻ”.
Trước sự xuống cấp về đạo đức từ nhiều năm nay ở một bộ phận người có chức, có quyền đã biến chất nhưng vẫn giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, đang làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội, băng hoại truyền thống nhân văn của dân tộc, đang là thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới đất nước, là nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta, đang làm mất thanh danh uy tín của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của dân chúng vào Đảng, vào chế độ. Đảng ta tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hội nghị Trung ương IV, khóa XII về chỉnh đốn Đảng đáp ứng đúng ý Đảng, lòng dân và thực chất đây đúng là phong trào của đạo lý làm người, thành người, trong đó có đạo lý “Nói đi đôi với làm” một đạo lý mà Bác Hồ đặc biệt chú ý nêu gương để cán bộ đảng viên noi theo, tu dưỡng. Như Bác đã dạy, như Bác đã làm: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em và khi đi công tác gắng làm gương cho dân, làm gương về cả ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được ta phải: quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ 3 chữ ấy, thực hành làm gương nêu 3 chữ ấy lên, tất cả các đồng chí phải thành công”.
Theo lời Bác dạy và việc Bác đã làm, lúc này cần lắm ở mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt những người lãnh đạo, nhất là những lãnh đạo cấp cao hãy làm những việc gương mẫu dù là nhỏ còn gấp ngàn lần những lời nói suông.