Lối thoát nào cho EU?

Vậy là Hiệp ước Lisbon đã không thể có hiệu lực vào ngày 1-1-2009 như dự kiến sau khi Ireland nói “không” trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua. Rất nhiều người nhận định thái độ của Ireland đã “đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng mới” hay “làm dấy lên cuộc tranh luận về thể chế liên minh”... Quan trọng hơn cả,  kết quả này có thể khiến EU đi lại “vết xe đổ” của năm 2005, khi cử tri Pháp và Hà Lan đặt dấu chấm hết dự thảo hiến pháp mới của EU, buộc EU sau đó phải sửa đổi nó thành Hiệp ước Lisbon.

3 năm về trước, Pháp và Hà Lan đã tạo ra “cơn địa chấn” tại châu Âu. Nay, thái độ của Ireland chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đã không rút ra được bài học nào từ cuộc khủng hoảng năm đó. Cho dù là một văn bản hiến pháp hay là một hiệp ước đã cải tổ, kết quả cũng như nhau.

Mặc dù các chuyên gia cho rằng Ủy ban châu Âu cần phải hành động gấp, ngay từ tuần tới, tại cuộc họp từ ngày 19-6, nhưng cũng chính Chủ tịch EU Barroso thừa nhận: Không có kế hoạch B trong trường hợp một nước nào đó không thông qua. Trước mắt, một bộ phận phối hợp Pháp - Đức đã được thành lập nhằm mục đích ngăn chặn hiệu ứng domino lan từ Ireland sang các nước khác.

Câu hỏi đặt ra là EU sẽ làm gì tiếp theo? Có 3 kịch bản chính cho tương lai. Thứ nhất, tiếp tục quá trình thông qua hiệp ước tại 8 nước còn lại và thúc giục Ireland bầu lại. Mục đích: lặp lại “kỳ tích” năm 2002, khi Ireland thông qua Hiệp ước Nice, 1 năm sau khi lần trưng cầu đầu tiên thất bại. Tuy nhiên, đó cũng chỉ về mặt lý thuyết. Thực tế, chỉ mình Ireland mới có quyền quyết định chuyện này.

Thứ 2, thương lượng lại hiệp ước và đề ra nhiều thay đổi hợp hơn với Dublin, giống trường hợp Đan Mạch. Hồi năm 1992, Đan Mạch, sau khi đã nói “không” với Hiệp ước Maastricht, đã nhận lại việc không tham gia vào đồng euro, không tham gia vào chính sách quốc phòng châu Âu. Nếu được thông qua trong thời gian ngắn, Hiệp ước Lisbon có thể có hiệu lực sớm, nếu không phải là 1-1-2009 thì cũng ngay sau các cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6-2009. Thứ 3, tiếp tục với Hiệp ước Nice, một hiệp ước khá rắc rối trong quy định đối với những nước mới gia nhập liên minh, với việc tính số đại biểu, số phiếu bầu mỗi nước…

Cho đến lúc này, 18 nước EU đã phê chuẩn Hiệp ước Lisbon. Và bởi vì khó có thể để cho 3 triệu công dân Ireland ngăn cản “bước tiến” của khoảng 450 triệu người dân châu Âu nên có vẻ lối thoát duy nhất của cuộc khủng hoảng này là theo đuổi quá trình thông qua hiệp ước- vốn được cho là đặc biệt cần thiết đối với một liên minh được mở rộng tới 27 nước như hiện nay.

Tuy nhiên, thái độ của Ireland là minh chứng cho thấy còn một hố sâu ngăn cách giữa các công dân và tầng lớp lãnh đạo EU. Để liên minh tiếp tục con đường của mình trong một thế giới hiện đại đầy biến động, các nhà phân tích cho rằng EU nên giảm bớt mức độ trầm trọng sau sự việc của Ireland, tập trung hành động để giữ vững các tiêu chí ưu tiên trong chính sách của châu Âu. Đây cũng sẽ là thách thức lớn của Pháp khi nhận chức chủ tịch luân phiên EU ngày 1-7.

Lê Vân

Tin cùng chuyên mục