Lối về cho những đứa con lầm lạc

Lối về cho những đứa con lầm lạc

Bước vào trong Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TT), mọi thành kiến lập tức tan biến khi đập vào mắt chúng tôi là sân bóng chuyền, hồ cá, cây xanh, bể bơi, câu lạc bộ bóng bàn, phòng tập thể hình, karaoke… được trang bị hiện đại như một khu vui chơi, giải trí dành cho thanh thiếu niên. Theo sự hướng dẫn của bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, chúng tôi lần lượt tham quan các khoa, phòng chức năng của TT.

Bác sĩ Khánh Duy thăm xưởng đồ gỗ - mô hình huấn nghiệp trị liệu tại TT Thanh Đa. Ảnh: N.THỦY

Bác sĩ Khánh Duy thăm xưởng đồ gỗ - mô hình huấn nghiệp trị liệu tại TT Thanh Đa. Ảnh: N.THỦY

Tình cờ gặp N. (28 tuổi), một “cựu học viên” cai nghiện, đang về thăm lại “mái nhà xưa”, N. tâm sự: “Nghe theo lời bạn bè rủ rê, em bỏ học lên thành phố kiếm sống. Khi có tiền, em lao vào ăn chơi. Từ những cơn say, những đêm trắng thác loạn đã dẫn em đến con đường nghiện ngập...”. Rồi ánh sáng cuối đường hầm cũng đã hé rạng với cuộc đời N. khi cậu được đưa đến cai nghiện tại TT Thanh Đa. Sau hơn 1 năm kiên trì đấu tranh với bản thân cộng với sự chữa trị, giáo dục tận tình của bác sĩ, thầy cô, chuyên viên tâm lý… N. đã trở lại cuộc sống bình thường. Với vẻ mặt cảm kích N. nói: “Em và các học viên đến đây đều được chữa trị, dạy dỗ rất chu đáo nên tụi em phục hồi rất nhanh. Hiện em đang là chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động nhỏ trên đường Hùng Vương (Q5) với mức thu nhập tạm được”.

Chúng tôi đến cơ sở thứ 2 của TT Thanh Đa cách đó chưa đầy 1 cây số. Nơi đây có một hệ thống nhà xưởng, các lớp học phục vụ cho công tác huấn nghiệp, lao động và sản xuất nhằm mục đích trị liệu. Bạn K., một học viên cai nghiện đã được điều trị ngoại trú, đang hì hục cùng các học viên khác kiểm tra và chỉnh sửa lớp hàng rào kẽm gai trên mái tôn. Vừa bước xuống đất chưa kịp lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt, K. bước nhanh đến trước mặt bác sĩ Duy cười tươi: “Con chào bố”. Và bạn bày tỏ tâm sự của mình: “Bố Duy và các thầy cô, nhân viên TT rất thương và tận tụy với tụi em. Tình cảm dành cho em và các bạn là tình cảm dành cho người lầm lạc tìm đường quay lại chứ không phải thứ tình cảm thương hại dành cho một con nghiện”. K. cũng cho biết, bản thân đã được gia đình đưa đi cai tại rất nhiều trường, nhưng chỉ khi đến với TT thì K không những dứt khỏi thần chết trắng mà nguy cơ tái nghiện như trước đây cũng không còn.

TT Thanh Đa ra đời bắt nguồn từ tâm huyết và những nỗ lực không ngừng nghỉ của người cựu chiến binh-bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy. Với quá trình 40 năm tuổi nghề (trong đó 7 năm làm bác sĩ trưởng trong Trại giam Chí Hòa), 5 năm làm Hội thẩm Nhân dân tại TAND TPHCM, tận mắt chứng kiến nhiều vụ xét xử án ma túy rất đau lòng…, ông bắt tay vào xây dựng TT. Tâm nguyện thiết tha, ý nghĩa thiết thực mang tính nhân đạo cao cả của mô hình cai nghiện mà bác sĩ Duy nêu ra đã được đông đảo bạn bè là cựu chiến binh ủng hộ nhiệt liệt. TT có tổng diện tích 8.000m2 (kinh phí 36 tỷ đồng) cuối cùng đã được khánh thành vào năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới… Tính đến nay, sau 10 năm hoạt động, đã có hơn 8.000 lượt học viên từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước đến điều trị đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, điểm nhấn và cũng là yếu tố quan trọng để TT Thanh Đa trở thành địa chỉ cai nghiện đạt hiệu quả hàng đầu chính là việc đưa vào triển khai Khoa Chống tái nghiện vào giữa năm 2008. Theo bác sĩ Khánh Duy, cai nghiện đã khó thì chống tái nghiện còn khó hơn nhưng không có nghĩa là không làm được. Các học viên đã điều trị cắt cơn, phục hồi chức năng tâm lý, chuẩn bị trở về cộng đồng có nguyện vọng được hỗ trợ chống tái nghiện sẽ được chuyển sang Khoa Chống tái nghiện. Tại đây họ được điều trị bằng thuốc Naltrexone chứa chất làm mất cảm giác thèm, nhớ và tìm kiếm ma túy, đồng thời kết hợp liệu pháp tổng hợp như tư vấn, tâm lý trị liệu, giáo dục trị liệu, sinh hoạt cá nhân, nhóm… Trong thời gian chưa đầy 2 năm sau khi thành lập khoa, đã có hơn 500 học viên được điều trị đạt kết quả tốt, gần 75% học viên không bỏ chương trình.

Rời khỏi ngôi trường đặc biệt này chúng tôi thầm mong sao ngày càng có thêm những người như “bố Duy” và nhiều mô hình nữa như TT để những con người chẳng may sa vào con đường lầm lạc có thêm cơ hội làm lại cuộc đời.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục