
(SGGP 12G).- Năm 2008, toàn tỉnh Long An trồng 1.691ha đay, giảm 6.925ha so với năm trước. Phần lớn người dân chuyển diện tích trồng đay trước đây sang trồng lúa vì họ không còn thiết tha với loại cây trồng này. Những người còn trồng đay thì đều cho rằng hiệu quả giống như… chờ xổ số - tức sự “hên, xui” của giá cả!
Chất lượng phải cao – giá mua lại thấp!

Thu hoạch đay
Anh Võ Văn Hải, ngụ ấp Đình, xã Thạnh Phước (huyện Thạnh Hóa) cho biết, vụ trồng đay năm nay, anh trồng 1,7ha đay (giảm 2,3ha so với năm 2007) và đang đợt thu hoạch. Hiện năng suất đay nguyên liệu của anh đạt 30 tấn/ha. Anh Hải tính, tổng chi phí đầu tư thuốc trừ sâu, phân bón, nhân công lên đến 16 triệu đồng/ha.
Qua thăm dò thị trường, đay nguyên liệu đang dao động mức giá 400 - 420đ/kg và 4.000đ/kg đay sợi. Như vậy, tính ra anh Hải lỗ hơn 4 triệu đồng. Cũng theo anh Hải, sở dĩ anh trồng đay ít hơn vì năm rồi anh lỗ mỗi hécta 2 triệu đồng.
Còn ông Hà Văn Sinh - Bí thư xã Thạnh Phú (Thạnh Hóa) - cũng bức xúc: “Năm nay tôi trồng 0,5ha (giảm 1,5ha so với năm trước) nhưng giá cả quá bấp bênh. Nếu đem bán đay nguyên liệu trong thời điểm hiện tại thì chắc chắn lỗ 1,5-2 triệu đồng. Còn gia công thêm để bán đay sợi cũng chưa hẳn đã có lời”.
Ông Sinh đưa cho chúng tôi xem bảng thông báo điều chỉnh giá thu mua đay nguyên liệu vụ hè - thu năm 2008 của Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đặt tại xã Thuận Nghĩa Hòa (Thạnh Hóa). Theo đó, giá mua 420đ/kg nhưng phải đúng các quy cách: Cây đay không tách vỏ, có độ tuổi gieo trồng 120 ngày trở lên; đay chặt sát đất, loại bỏ phần ngọn, không dính bùn, tạp chất; tuyệt đối không ngâm nước sau thu hoạch; độ ẩm nhỏ hơn hoặc bằng 80% … “Với quy cách khá gắt gao và giá mua rẻ như thế này trong khi vật tư (thuốc, phân bón, nhân công tăng cao) thì bà con trồng đay đều phải lỗ vốn”, ông Sinh khẳng định.
Tìm lối ra cho cây đay
Năm 2007, Long An trồng hơn 8.800ha đay thì nay diện tích đay chỉ còn chưa tới 2.000ha. Tại huyện Mộc Hóa, diện tích đay giảm đến 1.885ha so vụ trước, huyện Thạnh Hóa cũng mất trên 4.000ha đay… Sở NN-PTNT Long An lo lắng, sau vụ này, nhiều khả năng vùng đay nguyên liệu tiếp tục giảm mạnh do trồng đay lợi nhuận kém xa lúa, trong khi kế hoạch của tỉnh cần đến 14.000 - 15.000ha đay cung cấp cho Nhà máy Bột giấy Phương Nam.
Tỉnh tập trung đầu tư 3 dự án ưu tiên với tổng vốn đầu tư là 96.540 triệu đồng: Dự án đầu tư Trung tâm ứng dụng kỹ thuật và sản xuất giống đay diện tích 10ha tại xã Thuận Nghĩa Hòa (Thạnh Hóa); dự án đầu tư máy chuyên dùng cơ giới hóa sản xuất đay nguyên liệu; dự án đầu tư cải tạo nâng cấp và xây dựng mới hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất đay ở vùng quy hoạch trồng đay nguyên liệu tập trung. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị tổ chức thu mua hết đay nguyên liệu trong vùng quy hoạch với giá cam kết với nông dân trong từng mùa vụ cụ thể.
Với dự án đầu tư trên, tỉnh Long An tập trung cho việc sản xuất đay nguyên liệu với mức thâm canh cao, trồng ở 13 xã thuộc vùng quy hoạch trồng đay nguyên liệu tập trung (2 huyện Mộc Hóa và Thạnh Hóa), đưa năng suất bình quân đay cây lên 38,35 tấn/ha.
Liên Xuân