Long đong làng chiếu Long Định

Long đong làng chiếu Long Định

Làng chiếu Long Định (Châu Thành, Tiền Giang) có lịch sử hình thành trên 50 năm. Nhờ chiếu, đời sống của nhiều hộ gia đình trở nên khá giả. Tuy nhiên, nghề này đang có nguy cơ bị mai một bởi lối sản xuất thủ công, nhỏ lẻ và sự thờ ơ của những người trẻ.

  •  Sản xuất thủ công, nhỏ lẻ
Làng chiếu Long Định giờ chỉ còn vài người lớn tuổi theo nghề in bông chiếu.
Làng chiếu Long Định giờ chỉ còn vài người lớn tuổi theo nghề in bông chiếu.

Tại làng chiếu Long Định, nhiều cơ sở dệt chiếu và in bông đóng cửa im ỉm, thỉnh thoảng có vài hộ đem chiếu ra phơi. Dường như người dân không còn mặn mà với chính nghề đã từng nuôi sống họ mấy chục năm qua. đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi đến thăm làng chiếu này. Nếu như vài năm trước đây, tấp nập kẻ bán người mua, thương lái từ khắp nơi đổ về vì độ dẻo dai, bền đẹp của chiếu Long Định, giờ đây làng chiếu đang vật lộn vì thiếu thị trường, nhiều hộ không trụ được với nghề.

Ông Nguyễn Văn Thi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu phố Lương Minh Chánh, xã Long Định, cho biết: “Trước năm 1975, nghề chiếu phát triển rất mạnh, khu phố có hơn 180 hộ dân nhưng bây giờ chỉ còn không đến 60 hộ làm nghề chiếu”.

Hơn một nửa số hộ làm chiếu ở Long Định vẫn đang sản xuất bằng phương pháp thủ công - dệt chiếu bằng tay. Bà Lê Thị Cúc, một thợ dệt chiếu lâu năm của làng, kể: “Với khung dệt tay, khi còn trẻ tôi làm được 4 chiếc/ngày, giờ hai vợ chồng già chỉ dệt được 2 chiếc/ngày. Máy dệt chiếu hiện đại có thể sản xuất được 10 chiếc/ngày mà chỉ cần một người ngồi máy”. Tuy nhiên, giá một khung dệt chiếu bằng tay hiện nay khoảng 150.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với một máy dệt chiếu hiện đại, trị giá 30 - 60 triệu đồng. Nhiều người dân muốn vay vốn ngân hàng để mua máy dệt chiếu hiện đại nhưng không đủ tài sản thế chấp, một số hộ sống ở ven sông không được cấp sổ đỏ nên cũng không được cho vay.

Không chỉ sản xuất thủ công, các hộ gia đình ở đây còn sản xuất theo kiểu đơn lẻ, mạnh ai nấy làm. Bà Nguyễn Thị Tốt cho biết: “Ngoại trừ một, hai cơ sở in bông chiếu trong làng đứng ra thu mua sản phẩm về để in bông theo đơn đặt hàng trước, còn chẳng có ai đứng ra thu mua lượng lớn sản phẩm của các hộ cả”.

Không chỉ có dệt chiếu, việc in bông cho chiếu một thời hưng thịnh giờ cũng đã qua. Nếu trước đây mỗi tháng cơ sở in chiếu bông của ông Nguyễn Văn Tiến in và tiêu thụ được 600 - 700 tấm chiếu, giờ đây số lượng chỉ còn lại một nửa. Vào mùa mưa, nguyên liệu khan hiếm, giá cả tăng cao, chiếu Long Định không thể cạnh tranh với các loại chiếu trúc, chiếu nhựa, chiếu Trung Quốc…

  • Người trẻ không mặn mà

Bà Nguyễn Thị Tốt (73 tuổi), mấy năm nay từ dệt chiếu chuyển sang may viền chiếu. Bà bảo: “Nghề chiếu đòi hỏi mắt nhanh, tay nhạy. Mà tôi có tuổi rồi, mắt yếu, con cháu lại đi học, đi làm xa. Chúng không phụ đan chiếu nữa nên tôi đành chuyển sang nhận chiếu về may viền cho đỡ vất vả”. Cũng như bà Tốt, cô giáo đã về hưu Nguyễn Thị Nhiệm (57 tuổi) nhận định: “Tụi trẻ bây giờ không thích ngồi một chỗ bên máy dệt chiếu bởi mỗi ngày chỉ dệt được chưa quá 2 đôi chiếu. Đi làm công nhân, lương khá hơn, lại đỡ cực”. Vừa nói, bà Nhiệm vừa đưa tay chỉ về phía bên kia đường, nơi có những cơ sở sản xuất bao nhựa đang tập trung rất đông những người trẻ.

Ông Nguyễn Văn Tiến, có đến 6 người con nhưng chỉ có một con trai chịu nối nghiệp, những người con còn lại đều đang học đại học hoặc đã tốt nghiệp đại học đi làm xa. Rảnh rỗi, các con ông cũng phụ cha in bông chiếu hoặc chở chiếu ra chợ bán nhưng không có ý định theo nghề. Chính ông Tiến cũng suy nghĩ: “Tụi nó thích thì làm, không thì thôi. Tôi không ép. Với lại con cái mình đều học hành đàng hoàng, kiếm được chỗ làm, ép nó làm nghề này cực lắm”.

Ông Vũ Sỹ Kỳ Nam, một nghệ nhân của làng chiếu Long Định, tâm sự: “Hai vợ chồng tôi sinh được 4 người con thì 3 người đã đi làm công nhân, chỉ còn một đứa phụ tôi làm nghề này”. Làng chiếu Long Định đang... long đong!


THÀNH NHƠN

Tin cùng chuyên mục