Long Khánh trăn trở miền ký ức

Long Khánh trăn trở miền ký ức

Lưỡng lự khá lâu trước ngã ba ở cây số 80 (tính từ TPHCM) trên Quốc lộ 1, cuối cùng, tôi quyết định rẽ vào. Ngã ba này dẫn về thị xã Long Khánh của tỉnh Đồng Nai. Một tấm băng - rôn đỏ chói treo ngang đường với dòng chữ “Kỷ niệm 30 năm ngày chiến thắng Long Khánh 21-4-1975 – 21-4-2005”. Ngày chiến thắng thì đúng rồi. Nhưng sao lại là Long Khánh?

  • “Cánh cửa thép” Xuân Lộc hay Long Khánh?

Sách sử ghi rằng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng của đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, trước khi vào được Sài Gòn, tại thị xã Xuân Lộc của tỉnh Long Khánh cách Sài Gòn gần 100 cây số, đại quân ta đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân ngụy.

Long Khánh trăn trở miền ký ức ảnh 1

Đường Nguyễn Văn Bé ngày nay được mở rộng, nâng cấp trên nền đường vành đai ngăn cách một bên là ấp chiến lược và một bên là phòng tuyến phòng thủ của quân ngụy ở Long Khánh trước đây.

Xác định đây là tuyến phòng thủ cuối cùng bảo vệ cho đô thành Sài Gòn, quân ngụy xây dựng nơi đây thành khu vực phòng thủ trọng yếu với sự có mặt của Sư đoàn 18 bộ binh - sư đoàn mạnh nhất của Quân đoàn 3 ngụy, 1 liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp và 9 tiểu đoàn bảo an của Tiểu khu Long Khánh; chưa kể khi ta nổ súng tấn công vào rạng sáng ngày 9-4-1975, địch ở Xuân Lộc còn nhanh chóng nhận được sự chi viện ở mức tối đa của lực lượng dự bị chiến lược với các sắc lính dù, thủy quân lục chiến thiện chiến cộng với toàn bộ hỏa lực pháo binh của Quân đoàn 3 và không quân từ 2 sân bay chiến lược Biên Hòa, Tân Sơn Nhất.

Nếu cả Chiến dịch Huế – Đà Nẵng diễn ra trước đó, đại quân ta chỉ mất có 9 ngày (từ 21-3-1975 đến 29-3-1975) để hoàn tất thì tại Xuân Lộc, ta mất trọn 12 ngày (từ 9-4 đến 21-4-1975) mới  phá tan được “Cánh cửa thép” mà ngụy quyền Sài Gòn dựng lên ở tỉnh lỵ nhỏ bé này. Theo thống kê của Viện lịch sử Quân sự Việt Nam Bộ Quốc phòng, đã có hàng ngàn chiến sĩ của ta hy sinh và bị thương trong trận chiến ở thị xã Xuân Lộc.

30 năm sau, tìm về nơi ngày xưa “Cánh cửa thép” của địch bị quân ta phá tan, tôi mải miết đi tìm một thị xã Xuân Lộc, tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh cũ. Hỏi ai cũng đều được trả lời không có thị xã Xuân Lộc nào trước giải phóng, chỉ có huyện Xuân Lộc hiện tại ở cách thị xã Long Khánh hiện nay độ hơn chục cây số dọc theo Quốc lộ 1 về phía Bắc. “Lẽ ra phải gọi cho chính xác là “Cánh cửa thép” Long Khánh hoặc phòng tuyến Long Khánh thay vì gọi là phòng tuyến Xuân Lộc, “Cánh cửa thép” Xuân Lộc như từ trước đến giờ bởi chỉ có ở đây, trận chiến kéo dài suốt 12 ngày đêm giữa Sư đoàn 341, Sư đoàn 7 của Quân đoàn 4; Sư đoàn 6 chủ lực của Quân khu 7 với các sắc lính thiện chiến của quân đội Thiệu  mới diễn ra”.

Anh Nguyễn Hồng Nở, còn gọi là Hai Nở, một cựu binh, một cư dân lâu năm của Long Khánh, người mà vào tháng 4-1975, đang là Chính trị viên phó Thị đội Long Khánh – đơn vị vũ trang địa phương có nhiệm vụ tiêu diệt địch, giải phóng các vùng ven Long Khánh tạo điều kiện cho quân chủ lực tấn công vào tỉnh lỵ – khẳng định với tôi như vậy.

Có một chi tiết mà tôi muốn nói thêm, đó là sau giải phóng, tỉnh Đồng Nai được thành lập trên cơ sở một số tỉnh, thành cũ do chính quyền Sài Gòn phân chia như Long Khánh, Bà Rịa, Biên Hòa... Các huyện trong khu vực tỉnh Long Khánh cũ như huyện Cao Su (tên gọi một huyện thuộc vùng giải phóng nằm trong tỉnh Long Khánh lúc bấy giờ), huyện Xuân Lộc, một số xã Xuân Hưng, Xuân Hòa, Xuân Tân và tỉnh lỵ Long Khánh hợp lại thành huyện Xuân Lộc mới của tỉnh Đồng Nai; tỉnh lỵ Long Khánh cũ được chọn làm thị trấn của huyện mới, thị trấn Xuân Lộc. Phải chăng vì điều này mà có sự nhầm lẫn?

Ngày nay, thị xã Long Khánh hình thành trên nền địa giới hành chính của Tỉnh lỵ Long Khánh cũ. Người dân và cán bộ, chiến sĩ xưa cũng như nay của Long Khánh mong muốn tên tuổi quê hương mình được đặt lại đúng chỗ trong lịch sử dân tộc. Mong muốn ấy chính đáng. Lịch sử lại càng cần sự chính xác!

  • Chút tình giữ lại

Tháng tư. Miền Đông Nam bộ bị hong khô dưới cái nắng như đổ lửa mà ở Long Khánh, vạt đất ngoài cùng về phía Đông của vùng “rốn nắng” Nam bộ này vẫn mướt lắm những vườn cây trái, xanh ngắt những rừng cao su và tươi tắn bộ mặt phố thị trong ngày kỷ niệm chiến thắng. Nằm sát bên Quốc lộ 1, mỗi ngày, Long Khánh chứng kiến hàng chục ngàn lượt người và xe cộ đi qua để vào Nam ra Bắc. Trong những cuộc hành trình ấy, không biết có được bao nhiêu người từng dừng chân hay thảng hoặc có chú ý đến mảnh đất này - tôi lẩn thẩn tự hỏi. Dường như cái tên Long Khánh ít gợi nhớ như cái tên Xuân Lộc.

Và có lẽ cũng vì vậy mà dẫu nằm ở một vị trí hết sức trang trọng ngay bên Quốc lộ 1, Nghĩa trang Liệt sĩ Long Khánh – yên tĩnh, sạch đẹp – cũng ít làm mọi người để ý. Trong nghĩa trang ấy, ngoài sự “hiện diện” của không ít con em Long Khánh anh hùng còn có hàng trăm mộ chí của cán bộ, chiến sĩ thuộc sư 341, sư 7 Quân đoàn 4 và sư 6 chủ lực Quân khu 7, những người đã ngã xuống trong trận chiến đập tan “Cánh cửa thép” năm xưa; những người mà đến tận bây giờ, sau 30 năm, khi nhắc đến, các “cựu binh” của Long Khánh vẫn còn rưng rưng. “Lính chính quy vậy chớ vô tới Long Khánh mà nòng súng còn sạch trơn, chưa có mùi khét.

Xe chở quân vô nườm nượp, chú nào chú nấy mặt mũi non mướt “dzậy”, vui tươi “dzậy” mà 2 – 3 bữa sau đã thấy đưa về tuyến sau, im lìm nằm đó. Thắng lợi sát bên rồi mà hổng đi cho hết được. Toàn mấy đứa nhỏ ở ngoải (ngoài Bắc - PV) thôi…” Cầm ly rượu trên tay, giọng bùi ngùi, anh Nguyễn Văn Nam, cựu bộ đội địa phương Long Khánh giờ đang sống ở ấp Bảo Vinh A thuộc xã Bảo Vinh của thị xã nhắc nhớ. 53 tuổi mà mái đầu bạc trắng, người lính già ấy giờ đây vẫn thường cùng các đồng đội còn lại của mình đến Nghĩa trang Liệt sĩ.

“Xa xôi quá, người thân của mấy chú ấy mấy khi vô được tới đây. Mình không thăm viếng, tủi vong linh mấy chú. Không thân thích ruột rà nhưng cùng là phận lính, lại là người xả thân vì quê hương mình, bà con mình, ngó lơ sao đành. Mình thì vậy, còn lớp trẻ bây giờ...” Lời tâm sự nặng nỗi tri ân nhưng buồn như tiếng thở dài...

30 năm. Thời gian đã cho thấy điều kỳ diệu. Từ một tỉnh lỵ “đậm đặc” dáng hình khu quân sự với 2 phần 3 diện tích và dân số là lính hoặc thuộc về lính thì nay, thị xã Long Khánh với 6 phường nội ô và 9 xã ven đô đã thật sự là một khu dân cư sầm uất thuộc hạng nhất nhì trong vùng. Đường phố của Long Khánh - cả trong nội thị lẫn ngoại ô - nhiều, rất rộng và trải nhựa thẳng tắp. Đêm ở thị xã Đông Nam bộ này điện sáng chan hòa. 

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên trước hạ tầng kỹ thuật khá hoàn chỉnh của Long Khánh, anh Hai Nở cho biết 30 năm qua, chưa có đường mới nào được mở ở Long Khánh. “Tất cả đường hiện tại đều được nâng cấp, mở rộng trên nền đường trước đây địch dành cho quân sự. Dĩ nhiên, đường cũ nhỏ hơn và không hiện đại như đường bây giờ...”.

Vậy đó! Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, xã hội phát triển ngày càng nhiều mà chỉ riêng hệ thống đường phục vụ quân sự địch đầu tư ở một tỉnh lỵ nhỏ bé như Long Khánh 30 năm sau vẫn còn sử dụng được. Điều đó cho thấy địch quyết giữ cho bằng được vị trí chiến lược quân sự quan trọng này nên mới tập trng đầu tư vào đây. Và như vậy, càng thấy thêm giá trị của chiến thắng.

Đi cùng tôi suốt cả ngày qua mọi ngóc ngách của Long Khánh ngày nay, ngoài anh Hai Nở còn có 2 người từng là cấp dưới của anh, từng lần lượt là Đội trưởng Đội Biệt động Long Khánh: anh Phạm Văn Mừng – Ba Mừng (nay là Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng thị xã Long Khánh) và anh Đào Bá Lượng giờ đã xuất ngũ về làm “dân thường” như cách nói của anh. Hồi đó, chính các anh là những người dẫn đường cho bộ đội chủ lực tấn công vào tỉnh lỵ. Các anh chỉ cho tôi từng vị trí xung trận của các cánh quân chủ lực ngày xưa, từng nơi chiến sĩ ta bị quân địch bắn hạ.

Chẳng còn thấy dấu vết gì của chiến tranh. Tòa hành chính Long Khánh cũ giờ là Phòng Văn hóa - Thông tin Thể thao. Người ta đã xây lại nhà mới. Còn ngôi nhà của Tòa Hành chính cũ – ngôi nhà mà vách của nó lỗ chỗ vết đạn súng tấn công của quân ta và sạm đen vì khói lửa chiến tranh – đã bị giật sập cách đây chưa lâu. Tại sao người ta không giữ lại ngôi nhà ấy, ngôi nhà mà để chiếm được nó, rất nhiều chiến sĩ của Sư đoàn 7 đã ngã xuống, trong đó có cả 6 chiến sĩ trên chiếc xe tăng phát hỏa đầu tiên vào Long Khánh mà mô hình (lại mô hình!) của nó đang được lưu giữ ở ngoài sân của Phòng VH-TT-TT này.

Chiếc tăng của họ trúng phải mìn Clây-mo địch gài khắp đường phố Long Khánh lúc bấy giờ. Họ chết trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Những chàng trai đất Bắc ấy, chưa người nào quá tuổi 22. Lẽ ra phải giữ lại ngôi nhà cũ ấy bởi nó là hiện vật bảo tàng đẫm đầy tính lịch sử hơn bất cứ trang lịch sử được viết rất công phu nào khác...

  • Toan tính cho tương lai

Về Long Khánh bây giờ, giữa mùa nắng nóng cao điểm, vẫn thấy người nông dân Long Khánh – vùng đất gò cao – tưới vườn, tưới rẫy bằng nước ngọt dồi dào bơm lên từ các giếng khoan. Từ trung tâm thị xã chạy theo hướng Tây chừng hơn 2 cây số là đến xã Bình Lộc, một xã “ngoại thành” của Long Khánh. Tháng tư này, ở đó, các vườn chôm chôm, sầu riêng, mít… đang trĩu quả. Người Long Khánh chủ yếu vẫn sống bằng nghề làm vườn, làm rẫy. Sầu riêng Long Khánh – từ khi có “công nghệ” mới – trái đậu quanh năm. Chỉ chôm chôm các loại thì vẫn theo mùa.

Mùa này, chôm chôm đang xanh trái nhưng chừng hơn tháng nữa thôi, khi cận kề ngày Tết Đoan Ngọ (còn gọi là Tết giữa năm hay đơn giản là mùng 5 tháng 5 Âm lịch), các vườn chôm chôm Bình Lộc sẽ rực rỡ sắc vàng, sắc đỏ. Nói đến sầu riêng, chôm chôm, mít mật, mít dừa, mít tố nữ hay chuối sứ Long Khánh, hình như người miền Nam nào cũng biết. Nhưng biết về một Long-Khánh-phố-thị xem ra chẳng có mấy người. Lại càng khó có thể liên tưởng giữa một Long-Khánh-thị-xã bây giờ với một Long Khánh – Xuân Lộc – “Cánh cửa thép” ác liệt 30 năm trước.

Long Khánh, vùng đất nằm ngay ngã ba giao thương (Quốc lộ 1 TPHCM – Hà Nội; Quốc lộ 20 TPHCM – Đà Lạt; Tỉnh lộ 2 Long Khánh – Bà Rịa Vũng Tàu) và đầy tiềm năng phát triển du lịch vườn kết hợp với du lịch “Về nguồn” mà bao năm nay rồi chưa có ai muốn đánh thức nó. Chứng minh cho điều ấy không khó. Trong nội ô thị xã, dẫu có hoài công tìm kiếm cũng chẳng hề nhìn thấy khách sạn. Một bác tài xe ôm khá trẻ chỉ cho chúng tôi địa chỉ khách sạn duy nhất trên Quốc lộ 1 ở cách trung tâm thị xã chừng 3 cây số sau khi bật ra câu cảm thán: “Xứ này mà khách sạn khách sỏi gì!”

Chiến tranh qua lâu rồi, lâu đến nỗi có một thế hệ mới sinh ra và đã kịp trưởng thành mà không hề biết đến chiến tranh là gì trên đất nước ta. Tản mạn với những câu chuyện không đầu không cuối, chúng tôi chỉ muốn chuyển tải điều duy nhất: Cuộc sống không bao giờ dừng lại, song, hướng tới tương lai không đồng nghĩa với lãng quên hay xem nhẹ quá khứ bởi nếu có một ngày, ngày mà thế hệ cháu con chẳng còn khái niệm gì về quá khứ hào hùng nhưng cũng đầy mất mát đau thương của cha ông thì chúng ta, những người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về điều ấy, gánh làm sao cho nổi phần trách nhiệm nặng oằn bao hàm cả trí khôn và đạo lý làm người?

Đừng quên!

TRÚC QUÂN

Tin cùng chuyên mục