Lòng tự trọng, sống tử tế

Chưa bao giờ, những cụm từ như “lòng tự trọng”, “sống tử tế” lại được nhấn mạnh và sử dụng nhiều như hiện nay. Có lẽ cũng bởi phàm là cái gì khan hiếm thì thường được khuyến khích sử dụng, như cái đích hướng tới trong cuộc sống đầy thị phi: thật - giả, trắng - đen, giàu - nghèo.

Chưa bao giờ, những cụm từ như “lòng tự trọng”, “sống tử tế” lại được nhấn mạnh và sử dụng nhiều như hiện nay. Có lẽ cũng bởi phàm là cái gì khan hiếm thì thường được khuyến khích sử dụng, như cái đích hướng tới trong cuộc sống đầy thị phi: thật - giả, trắng - đen, giàu - nghèo.

Với sự lên ngôi của đồng tiền và danh vọng ảo, có cảm giác nhiều người quên mất những giá trị đạo đức cơ bản nhất của “nhân chi sơ, tính bản thiện” để bằng mọi giá leo lên những nấc thang chót vót. Như trường hợp của Sơn Tùng M-TP, người trần, mắt thịt phải nát óc suy nghĩ không biết làm sao một anh chàng cũng có ngoại hình khá, có chút tài lẻ lại mê hoặc được cả đám đông gào rú mỗi khi xuất hiện. Năm ngoái khi Sơn Tùng được trao giải cống hiến “ca sĩ của năm”, một nhạc sĩ đã thì thầm rằng anh này có giải là nhờ năm ngoái không có tai tiếng, không có xì-căng-đan nào, chứ trước đó thì đầy nghi án “đạo nhạc”. Không phải chỉ đến ca khúc mới nhất “Chúng ta không thuộc về nhau” bị tố là chôm chỉa từ bản remix của DJ Heyder, những sáng tác trước đây của nhạc sĩ - ca sĩ này đều khá đình đám nhờ “chịu ảnh hưởng” của nhạc nền ngoại. Mà trong 7 nốt nhạc, giống đến 6 nốt hoặc hơn thì không biết… nên gọi là gì, là sáng tạo cá nhân hay là đạo nhạc? Và cũng thật lạ là khi ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” bị tố “cầm nhầm” từ một bản hit của Hàn Quốc thì Cục Nghệ thuật biểu diễn lại đưa ra kết luận rằng bài hát không vi phạm pháp luật và đề nghị Bộ VH-TT-DL cấp phép phổ biến cho ca khúc này, bất chấp ý kiến phản đối của hội đồng thẩm định gồm những nhạc sĩ tên tuổi.

Chính từ sự thiếu tiêu chí đánh giá, sự thiếu nhất quán khi thẩm định của cơ quan chức năng đã dẫn đến sự nở rộ các “thiên tài âm nhạc” trẻ như Sơn Tùng M-TP. Trước thực trạng mù mờ giữa chuyện đạo hay không đạo nhạc khi mượn nhạc nền, mượn hình ảnh trong MV, nhiều nhạc sĩ đã lên tiếng, nếu các cơ quan chuyên môn không vào cuộc thì e rằng chúng ta đang hợp pháp hóa sự vay mượn, góp phần tạo ra một thế hệ “không có gu âm nhạc”.

Cũng chính vì thiếu sự thẩm định, thậm chí thiếu sự đánh giá công tâm từ phía cơ quan chức năng đã dẫn đến nhiều trường hợp dở khóc dở cười như một chuyện khác trong lĩnh vực mỹ thuật tạo hình: Cuộc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”. Mang danh là triển lãm các danh họa bậc thầy của Việt Nam, nhưng cuộc trưng bày ồn ào này chỉ mang đến sự ê chề khi cả 17 “kiệt tác” là “cục tác” hàng giả, hàng nhái. Ý kiến phân tích đánh giá khá nhiều, kể cả việc kiện tụng từ các nạn nhân, song cái chính là giải pháp nào để tạo sự lành mạnh cho thị trường, thì vẫn cứ mông lung, xa vời. Cả chục năm trước, Bộ Văn hóa đã có quyết định thành lập Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật, nhưng giống như lớp sơn dầu bóng bẩy ban đầu bỗng xám xịt vì thời gian, trung tâm này cũng chỉ hoạt động… trên giấy, có cũng như không và không như có.

Họa sĩ Thành Chương đã có đơn đề nghị giữ lại những tác phẩm giả mạo để giám định cho trắng đen rõ ràng, song thật tiếc, cơ quan quản lý ngành dọc đã để các bức họa này trở về “nguyên quán”. Nó giống như một hình thức phi tang nhân chứng, vật chứng trong một vụ án hình sự vì “chuyện không có gì mà ầm ĩ thế”. Và chúng ta biết ăn nói ra sao trong tình cảnh sự tín nhiệm về tranh Việt, thị trường tranh Việt ở mức thấp chưa từng có. Thời hội nhập phải tuân thủ đúng luật quốc tế về sở hữu trí tuệ, song ta vẫn cứ đi theo lối nhỏ nhặt “là lối an toàn” để cuộn mình trong cái ao làng, không ngẩng mặt nhìn ai. Ở Mỹ, trong một cuộc đấu giá tranh của nhà Christie, một bức tranh bị phát hiện là tranh giả với giá khởi điểm nửa triệu đô. Ngay lập tức người ta bỏ tiền mua vé máy bay mời họa sư người Colombia đến tận nơi chứng thực. Và sau khi có sự xác nhận đây là tranh giả, người ký gửi đã phải công khai xin lỗi và đưa đi tiêu hủy trước sự chứng kiến của ban tổ chức và FBI. Bởi vậy, việc giám tuyển nghệ thuật từ âm nhạc, văn học, đến mỹ thuật một cách nghiêm túc là yếu tố then chốt trong định hình những tác phẩm đỉnh cao đáp ứng yêu cầu vừa hiện đại vừa có bản sắc dân tộc.

Nói thì dễ song thực thi lại không hề dễ. Dễ như chuyện nhân trắc học với mấy cô gái đi thi hoa hậu lại tỏ ra quá khó khăn với chúng ta khi mà phải đến vòng chung kết mới phát hiện ra 2 thí sinh có bộ răng được tút lại. Dễ thì buộc tháo dỡ lớp màng trắng che đậy răng, còn cô có răng sứ - không tháo dỡ được - thì đành phải thải loại vì không đáp ứng tiêu chí “có vẻ đẹp tự nhiên”. Khó hơn nữa, như âm nhạc của Sơn Tùng M-TP hoặc tranh giả như vụ kiệt tác trở về từ châu Âu, thì đành phải chờ… chờ và hy vọng. Nhưng như chúng ta hay nói, phải tự cứu mình trước khi trời cứu, muốn có lớp giáp bảo vệ mình thì trước tiên phải có lòng tự trọng, sống tử tế… Điều đó có quá khó không?

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục