Lũ cực lớn đổ về Hà Tĩnh

* Vỡ đập thủy lợi Khe Mơ
Lũ cực lớn đổ về Hà Tĩnh

* Vỡ đập thủy lợi Khe Mơ

Trong đêm 15 và ngày 16-10, mưa lớn tiếp tục xảy ra trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Do đó, lũ trên các sông ở những địa phương này tiếp tục lên nhanh. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đến chiều ngày 16-10, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh và Quảng Bình đã vượt mức báo động 2, có nơi vượt trên báo động 3 đến 1,7m (sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt, Hà Tĩnh). 

Lũ lớn gây vỡ đập thủy lợi Khe Mơ tại xã Sơn Hàm, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Lũ lớn gây vỡ đập thủy lợi Khe Mơ tại xã Sơn Hàm, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Không để người dân bị thiệt mạng do đói, rét

Ngày 16-10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn số 1863/CĐ-TTg gửi các bộ, UBND các tỉnh, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương… Theo đó, lúc 16 giờ ngày 16-10, lũ trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ đã xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 2007, dự báo mưa lũ còn diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình tập trung chỉ đạo huy động mọi lực lượng, phương tiện sơ tán dân ở ven sông, những vùng bị ngập sâu, hoặc có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn; hỗ trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân tại các khu vực sơ tán, vùng bị ngập sâu, chia cắt, không để người dân nào bị thiệt mạng do đói, rét; kiểm tra, có phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa nước.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng của địa phương thực hiện việc sơ tán, cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng ngập lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Sáng sớm 16-10, mực nước tại huyện Hương Khê vẫn bình thường, nhiều nơi người dân còn đang tổ chức dọn dẹp sau cơn lũ vừa qua. Thật bất ngờ, từ gần trưa, mưa bắt đầu lớn, nước lên nhanh chưa từng thấy.
Đến buổi chiều, nước bắt đầu cô lập gần như tất cả các xã Lộc Yên, Phúc Trạch, Hà Linh, Hương Đô, Phương Mỹ...
Chiều tối, nước đã tràn vào ga Hương Phố và cung đường sắt qua địa bàn huyện khiến các đoàn tàu không thể lưu thông. Tuyến đường duy nhất có thể lưu thông là đường Hồ Chí Minh; đường vào trung tâm hành chính huyện Hương Sơn cũng bị ngập sâu hơn 1m. Nước về mạnh và cuốn đứt cầu treo Gia Phố.
Lực lượng Quân khu 4, công an, biên phòng... được huy động đến mức tối đa để cứu giúp dân. Theo những người dân nơi đây, trận lũ này cực lớn, lên cực nhanh chưa từng thấy, còn hơn cả lũ năm 2007, nếu mưa còn tiếp tục thì có thể lớn hơn cả đỉnh lũ năm 1976.

Khoảng 7 giờ tối, trời càng mưa tầm tã. Tại điểm tập kết gần ga Hương Phố, lực lượng cứu hộ nhận được thông tin 6 mẹ con chị Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Hưng Đề, xã Hưng Yên) kêu cứu khẩn thiết. 6 mẹ con chị đã trèo lên gác trên gần mái nhà, nước về lớn nên ngập luôn gác, mẹ con chị dỡ ngói chui lên kêu cứu. Một người hàng xóm phải sang các nhà khác, bơi thuyền đi mượn điện thoại di động gọi ra thị trấn cầu cứu.
Lập tức lãnh đạo Quân khu 4 và tỉnh Hà Tĩnh điều xuồng cao tốc đến ứng cứu kịp. Thêm những đêm hàng ngàn người dân rốn lũ Hương Khê lại phải sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nước, lạnh giá...

Khoảng 7 giờ 30 phút sáng 16-10, đập thủy lợi Khe Mơ, thuộc địa bàn xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã bất ngờ bị vỡ khiến nguồn nước chứa trong đập ào ào đổ xuống vùng hạ du gây ngập lụt, chia cắt trên diện rộng các xã vùng hạ du.
Đập Khe Mơ có trữ lượng gần 1 triệu m3 nước, được xây dựng từ năm 1991 nhằm phục vụ tưới tiêu cho hơn 90ha đất nông nghiệp của xã Sơn Hàm, Sơn Phú và thị trấn Phố Châu, điểm bị vỡ kéo dài đến 25m... Gần 100 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội kịp thời có mặt tại hiện trường tổ chức ứng cứu, giúp đỡ người dân tránh lũ, bảo vệ tài sản cho dân.

Hiện 65 xã của các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Thạch Hà, Cẩm Xuyên đều bị ngập. Tuyến quốc lộ 15 từ TP Hà Tĩnh đi huyện Hương Khê bị cô lập hoàn toàn.
Đến 19 giờ cùng ngày, hầu hết các tuyến đường trong nội ô TP Hà Tĩnh đã bị ngập sâu từ 1,5m đến gần 2m, riêng tuyến quốc lộ 8A đoạn thị xã Hồng Lĩnh đi huyện Đức Thọ và tuyến quốc lộ 1A đoạn qua TP Hà Tĩnh và thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) bị ngập sâu từ 1m - 1,5m.

Chiều 16-10, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định cho ngừng tất cả các cuộc họp để tập trung phòng chống lũ lụt. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã dẫn đầu đoàn trực tiếp có mặt tại các địa bàn vùng lũ Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh… để chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, sơ tán dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm.
Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh đã huy động khẩn cấp hơn 20 xuồng máy cao tốc, gần 500 phao cứu hộ, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ có mặt tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời ứng phó lũ và sơ tán dân cư.

Ông Bùi Huy Tam, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết, đập thủy lợi Cửa Thừa Trại Tiểu nằm ở địa bàn xã Mỹ Lộc và Đồng Lộc đến 19 giờ cùng ngày đã vượt mức trên tràn cửa đập gần 1,8m và có khả năng sẽ bị vỡ bất cứ lúc nào. Ngay trong đêm các lực lượng vận chuyển hàng chục tấn đất đá, bao tải, rọ sắt có mặt tại đập để ngăn chặn nguy cơ vỡ đập.

Trước đó, ngày 15 và chiều 16-10, tại địa bàn các xã Kỳ Hoa (huyện Kỳ Anh), huyện Thạch Hà, huyện Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh đã liên tiếp xảy ra lốc xoáy làm đổ sập, tốc mái gần 100 ngôi nhà của dân.
Người dân Tân Hóa khẩn trương chạy lũ.

Người dân Tân Hóa khẩn trương chạy lũ.

Quảng Bình: 43.000 hộ dân bị ngập

Chiều 16-10, 6/7 huyện của Quảng Bình gồm Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và một phần TP Đồng Hới đã phủ tràn nước lũ. Thống kê sơ bộ đã có hơn 43.000 căn nhà ngập sâu trong lũ, phổ biến từ 1,5 - 2m, cá biệt có nhiều vùng đã vượt mức 2m. Hàng ngàn người dân đã rời bỏ nhà cửa để chạy lũ. UBND tỉnh đã di dời tiếp hơn 5.400 người đến các khu vực cao để chạy lũ, tránh lũ quét.

Hiện Quảng Bình đang mất liên lạc với 28 tàu đánh cá của huyện Bố Trạch, Quảng Trạch với hơn 219 ngư dân. Lực lượng biên phòng đang ra sức tìm kiếm. Đường sắt một lần nừa lại bị lũ cô lập, ít nhất 5 điểm bị lũ dâng ngập khiến 2 đoàn tàu từ TPHCM - Hà Nội phải dừng lại tại ga Đồng Hới. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình tái thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, 6 ca nô ST 750, ST 660 đã lên đường cứu dân.  

NHÓM PV

Tin bài liên quan

>> Miền Trung gồng mình chống đợt lũ mới

>> Cảnh báo đợt lũ mới từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi

>> Hà Tĩnh: Sau lũ là dịch bệnh và nguy cơ thiếu đói

>> Miền Trung đề phòng có đợt lũ mới

>> Khẩn trương ổn định cuộc sống ở vùng lũ

>> TPHCM hỗ trợ 4,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả lũ lụt

>> Quảng Bình: Hàng ngàn người Tân Hóa rời hang đá về nhà trong cảnh trắng tay

>> Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Trợ giúp dân xây dựng lại nhà để ổn định cuộc sống

>> Thương lắm người dân vùng lũ

>> Những chuyến bay cứu đói vùng lũ

>> Cảng Sài Gòn ủng hộ vùng lũ miền Trung 376 triệu đồng

>> Tiếp tục ủng hộ đồng bào vùng lũ khắc phục thiệt hại

Tin cùng chuyên mục