* 8 người chết và mất tích, 1 tàu chìm
Theo tin từ Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Trung Trung bộ, do ảnh hưởng của đới gió Đông trên cao kết hợp ảnh hưởng rìa phía Bắc của rãnh áp thấp đi qua Nam Trung bộ, trong những ngày qua các tỉnh ven biển khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to. Dự báo, trong ngày 4-10, lũ trên các sông này sẽ tiếp tục dâng cao và ở mức báo động 3. Đặc biệt, lũ trên các sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) và sông Gianh (Quảng Bình) lên mức rất cao (trên báo động 3 đến 2m).
- Nghệ An: 1 tàu chìm, 2 người chết do sét đánh
Đến chiều tối 3-10, thi thể của em Đặng Bá Thám (SN 1994, trú xóm 3, xã Mỹ Sơn, học sinh Trường THPT Đô Lương 4) vẫn chưa được tìm thấy. Vào sáng 2-10, em Thám cùng một người bạn đi học qua đập tràn Hiến Sơn thì bị nước cuốn trôi, người bạn bơi được vào bờ, riêng Thám bị nước cuốn mất tích.
Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An cho biết, 8 người gặp nạn do tàu chìm trên vùng biển Cửa Lò đã được cứu sống, đưa vào bờ an toàn. 8 người này thuộc tàu Hoàng Châu 08, khi tàu đang chở xi măng từ Hải Phòng vào Vũng Rô (Phú Yên) thì gặp sóng to, gió lớn đánh chìm gần phao số 0 trên vùng biển Cửa Lò. Trong thời gian từ ngày 1 đến 3-10, mưa lớn kèm dông lốc, sấm sét đã xảy ra trên diện rộng. Tại huyện Yên Thành có 2 người chết do sét đánh vào ngày 2-10. Tại xã Thanh Mai (huyện Thanh Chương) sét đánh cũng đã làm chị Nguyễn Thị Thơ bị trọng thương. Một trận lốc xoáy đã làm 65 ngôi nhà tại 2 xã Diễn Liên, Diễn Hồng (huyện Diễn Châu) bị tốc mái.
- Hà Tĩnh: Lũ dâng cao làm 2 người chết
Mưa lớn khiến cho mực nước trên các sông tại Hà Tĩnh đang lên rất nhanh, sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ vượt mức báo động 3 là 0,55m… Tỉnh lộ 5 huyết mạch nối từ trung tâm TP Hà Tĩnh lên huyện miền núi Hương Khê đã bị chia cắt hoàn toàn, hiện huyện Hương Khê chỉ có thể liên lạc được với các vùng lân cận thông qua đường mòn Hồ Chí Minh. Huyện Hương Khê đã có 13 xã với 1.500 hộ dân bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Trong khi đó, tại huyện miền núi Vũ Quang mưa lũ cũng đã khiến cho 9 xã với 3.248 hộ dân bị cô lập hoàn toàn.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã điều động khẩn cấp 100 cán bộ, chiến sĩ, 2 xuồng máy cao tốc, 200 áo phao và 20 lều bạt trực tiếp lên huyện miền núi Hương Khê phối hợp sơ tán dân cư ở vùng ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ ống, sạt lở đất đến nơi trú ẩn an toàn.
Khoảng 6 giờ 15 phút sáng 3-10, cô giáo Trần Thị Hoa, SN 1974 (trú tại xóm 6, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, là giáo viên Trường Mầm non Chu Lễ) bị nước lũ cuốn trôi. Trước đó, lúc 17 giờ 30 phút ngày 2-10, 2 thiếu úy Đoàn Trọng Giáp, SN 1985, trú tại xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà và Trịnh Xuân Thành, SN 1972 (cả 2 đều là chiến sĩ thuộc Đại đội kỹ thuật C17 Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh) trên đường đi mua thực phẩm về đơn vị khi vừa đến cầu Hào, thuộc địa phận xã Hương Bình (huyện Hương Khê) bị nước lũ cuốn trôi. Người dân địa phương đã phát hiện cứu sống được Thành, riêng anh Giáp đến tối 3-10 vẫn còn mất tích.
Ông Nguyễn Văn Bính, cán bộ trực ban ga La Khê (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, từ 5 giờ sáng 3-10 tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Km406+130, 402, 402+850… qua 2 tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình bị nước lũ cuốn trôi 4 tà vẹt, sạt lở nghiêm trọng nhiều vị trí, khiến các chuyến tàu khách và tàu hàng từ Bắc vào Nam và ngược lại bị tê liệt hoàn toàn. Lúc 17 giờ 30 phút ngày 3-10, chuyến tàu SE3 Hà Nội - TPHCM đã đi an toàn qua đoạn đường từ ga La Khê vào ga Tân Ấp (Quảng Bình) sau hơn 10 tiếng đồng hồ bị tê liệt.
- Quảng Bình: Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu
Ngày 3-10, mưa lũ gây tắc đường nghiêm trọng quốc lộ 12A đi cửa khấu quốc tế Cha Lo sang Lào ngập 3 điểm hơn 2m. Trong khi đó, quốc lộ 15 đoạn Đồng Lê-Tân Ấp (Tuyên Hóa) lũ cô lập các đoạn Quảng Hóa, Khe Đèng, Khe Mưng gây tắc đường hoàn toàn, hàng trăm hộ dân bị lũ cô lập. Tại huyện Tuyên Hóa, gần 2.000 nhà dân bị ngập sâu từ 0,5 - 2m nước, đã có 2 nhà dân bị lũ cuốn trôi tại xã Thanh Hóa. UBND huyện đã chỉ đạo di dời khẩn cấp 371 hộ dân tại các nơi có nguy cơ bị sạt lở cao đến nơi an toàn. Trong khi đó tại huyện Minh Hóa, toàn huyện rẻo cao này đã bị lũ cô lập hoàn toàn với miền xuôi. Tại huyện Quảng Trạch hơn 1.000 nhà dân dọc sông Gianh cũng bị lũ bủa vây.
Thủy điện Hố Hô (Tuyên Hóa), hồ chứa nước đập Bẹ đã chứa quá dung tích, có nguy cơ vỡ cao đang khiến hàng trăm hộ dân xã Mai Hóa, Tiến Hóa sống dưới chân đập hết sức lo lắng.
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã kêu gọi hơn 4.000 tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện tại địa bàn Quảng Bình mưa to đến rất to khiến nước trên các hệ thống sông đang dâng cao. Ông Nguyễn Ngọc Giai, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống bão lụt Quảng Bình cho biết, có 2 người tại Bố Trạch và Quảng Trạch tử vong do mưa lũ. Trong khi đó, tại huyện Tuyên Hóa có một người đi vớt củi đã bị lũ cuốn chưa tìm ra tung tích.
- Thừa Thiên Huế: Lên phương án di dời 2 vạn dân
Tại các phường Kim Long, Phú Bình, Phú Cát, Phú Hậu và khu vực nội thành của TP Huế ngập sâu trong nước, có nơi ngập đến 1m nước, hàng ngàn nhà dân phải di chuyển đồ đạc lên cao tránh lũ. Các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... bỗng chốc biến thành sông, làm tắc nghẽn giao thông. Tại huyện Phong Điền, giao thông bị chia cắt, nhiều xã của huyện Quảng Điền bị ngập sâu trong lũ. Riêng thị trấn Phong Điền trận lốc xoáy chiều tối ngày 2-10 đã làm 3 ngôi nhà của người dân bị sập và tốc mái, nhiều cây xanh bị quật đổ.
Tỉnh đã triển khai kế hoạch di dời khoảng 20.000 người dân nằm trong vùng lũ quét, sạt lở đến nơi ở an toàn khi nước lũ đạt mức báo động 3. Vận động các hộ dân dự trữ lượng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đảm bảo sử dụng cho từng gia đình từ 7 đến 8 ngày trong mưa lũ.
- Quảng Trị: Lốc xoáy làm hư hại 25 ngôi nhà
Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, ngày 3-10, lũ trên sông Hiếu, sông Bến Hải... đều vượt mức báo động 2. Dự kiến đến ngày 4-10, mực nước trên các sông sẽ chạm mức báo động 3 gây lũ cục bộ ở nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng trũng như Hải Lăng, Triệu Phong. Hiện tại, cùng với việc triển khai các biện pháp đối phó với lũ lớn, địa phương đang tập trung lực lượng khắc phục hậu quả trận lốc xoáy rạng sáng 2-10 trên địa bàn thôn Cang Gián, xã Trung Giang và thôn 7, xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Trận lốc đã làm 22 nhà dân, một trung tâm học tập cộng đồng và một nhà mẫu giáo bị tốc mái và cây cối gãy ngã, hệ thống cột điện hư hỏng...
Nhóm PV
TPHCM: Ngập đường vì mưa Cơn mưa ngày 3-10 lại tiếp tục gây ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM. Ngập nặng nhất là các tuyến đường Âu Cơ, Lũy Bán Bích, Hòa Bình, Trương Công Định, Nguyễn Hồng Đào (Tân Bình, Tân Phú). Có nơi, ngập sâu hơn 40cm khiến hàng loạt xe chết máy, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đường Bà Hom (Bình Tân), Nguyễn Biểu, Hồng Bàng, Trần Hưng Đạo (quận 5), Lê Hồng Phong (quận 10) cũng bị ngập tương tự. Thời gian ngập tại các tuyến đường tiếp tục kéo dài còn do các trận mưa lai rai suốt chiều. Liên tục những ngày vừa qua, tình trạng mưa gây ngập làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Nguyên do, các dự án thi công ở một số dự án thoát nước và nâng cấp đô thị đã làm tắc nghẽn dòng chảy nên dẫn đến tình trạng “cứ mưa là ngập”. Q.Hùng |