Lũ lớn ở miền Trung: Nhiều người chết, giao thông bị chia cắt

Chiều 15-11, tin từ Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to. Lũ trên các sông lên nhanh. Đến chiều 15-11, lũ trên các sông đều vượt báo động 3 từ 0,3m đến hơn 1m và tiếp tục lên trong tối 15 và ngày 16-11.
Lũ lớn ở miền Trung: Nhiều người chết, giao thông bị chia cắt

Chiều 15-11, tin từ Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to. Lũ trên các sông lên nhanh. Đến chiều 15-11, lũ trên các sông đều vượt báo động 3 từ 0,3m đến hơn 1m và tiếp tục lên trong tối 15 và ngày 16-11.

Người dân Quy Nhơn, Bình Định di dời tài sản khỏi nhà chạy lũ.

Người dân Quy Nhơn, Bình Định di dời tài sản khỏi nhà chạy lũ.

Nhiều địa bàn bị cô lập

Trong đêm và ngày 15-11, mưa lớn cường độ từ 150-200mm kéo dài trên địa bàn Quảng Ngãi khiến mực nước lũ trên các sông, suối dâng cao, gây cô lập các khu dân cư ở xã Hành Dũng, Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), hơn 600 học sinh các cấp ở hai xã này phải nghỉ học. Tại huyện Sơn Tây, nước trên sông Rin đã tràn qua gây ngập các tuyến đường, trường học ở các xã nên hôm nay có hơn 3.000 học sinh phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Tại huyện miền núi Ba Tơ, nước lũ tràn về bất ngờ gây ngập sâu, cô lập 6 hộ dân ở thôn Mang Đen, xã Ba Vì. “Chúng tôi đã tổ chức đưa 4 hộ dân từ khu vực cồn giữa đồng đến nơi an toàn, vẫn còn 2 hộ nữa đang kêu cứu nhưng chưa thể tiếp cận do lũ chảy xiết”, ông Huỳnh Thương, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, lo lắng. Cũng tại Ba Tơ, hiện QL24 đoạn qua đèo Violac giáp ranh với Kon Tum đã bị sạt lở nặng gây chia cắt giao thông.

Chiều 15-11, ông Lê Văn Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), cho biết hiện mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 đang ở mức 165m, cao hơn ngưỡng xả tràn là 4m. UBND huyện Bắc Trà My chỉ đạo cho xe thông tin lưu động của huyện, các thôn tổ dân phố về Thủy điện Sông Tranh 2 đang xả với lưu lượng lớn về hạ lưu để người dân vùng hạ du chủ động phòng tránh. Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, từ sáng 15-11, toàn bộ học sinh trên địa bàn huyện Bắc Trà My phải nghỉ học.

Đến cuối giờ chiều 15-11, quốc lộ 24 đi qua địa bàn xã Pờ Ê, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã bị sạt lở 5 điểm (phía ta-luy dương) và 1 điểm bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, khiến xã Pờ Ê bị cô lập. Quốc lộ 24 bị chia cắt khiến lưu thông, đi lại giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi tê liệt hoàn toàn.

Một đoạn Quốc lộ 24 bị lũ cuốn trôi, giao thông đi lại giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi tê liệt. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Một đoạn Quốc lộ 24 bị lũ cuốn trôi, giao thông đi lại giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi tê liệt. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Đêm 15-11, do thủy điện An Khê - Ka Nak xả lũ với lưu lượng rất lớn (gần 3.000m³/giây), các phường An Phước, Ngô Mây, Tây Sơn… của thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) bị ngập trong biển nước. Do lũ về quá nhanh, đã có hơn 200 ngôi nhà của người dân thị xã An Khê bị chìm sâu trong nước, hàng trăm con bò, heo của bà con đã chết ngộp dưới dòng nước dữ.

Tại Khánh Hòa, sáng 15-11, một tảng đá lớn lăn từ trên núi xuống đường tàu đoạn km 1227 + 705 thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), làm ách tắc tuyến đường sắt Bắc - Nam nhiều giờ.

Chiều 15-11, tại TP Huế và các huyện, thị vùng ven xảy ra mưa lớn kéo dài. Quốc lộ 1A đoạn cửa ngõ phía Nam TP Huế, kéo dài gần 2km từ chợ An Cựu đến cầu vượt Thủy Dương, bị ngập sâu hàng giờ đồng hồ gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Cảnh ngập lụt đoạn đường qua Đập Đá, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cảnh ngập lụt đoạn đường qua Đập Đá, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, từ sáng 15-11, tại Lâm Đồng đã có mưa lớn trên diện rộng, đến tối cùng ngày, lượng nước đổ về lớn nên một số hồ thủy điện đã thông báo xả lũ. Tại xã Hiệp An (huyện Đức Trọng), mưa lớn đã gây ngập khoảng hơn 100ha rau, hoa. Ông Hoàng Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Hiệp An, cho biết trong số diện tích bị ngập nói trên, có khoảng 40ha hoa layơn vụ tết vừa xuống giống khoảng hơn một tuần, số còn lại là layơn giống và rau các loại.

        Những cái chết thương tâm

Sáng 15-11, một trận gió lớn bất ngờ càn qua địa bàn xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) gây hư hại nhiều hoa màu. Gió lớn cũng đã hất văng em Vương Thị Thu Thủy (học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Nghĩa Hành) đang trên đường đến trường, khi đi ngang qua cầu dài nối xã Hành Minh với thị trấn Chợ Chùa, rớt xuống sông tử vong. Chiều tối 14-11, nhóm học sinh Trường THCS Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa) rủ nhau xuống hố công trình (do nước mưa đọng) ở thôn An Đại 2, xã Nghĩa Phương để tắm khiến em Phạm Khanh Tân (12 tuổi, lớp 7A) và Võ Văn Khương (11 tuổi, học lớp 6A) bị đuối nước và tử vong.

Tại Phú Yên, sáng 15-11, anh Trần Thế Giảng (17 tuổi, thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) khi bơi qua sông Kim Sơn để tìm trâu đã bị nước cuốn trôi. Sáng 15-11, tại huyện Kbang (Gia Lai), cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga (Trường Mầm non xã Kông Lơng Khơng) và một giáo viên khác đang trên đường từ thị trấn huyện Kbang vào xã Kông Lơng Khơng để dạy, khi đi qua một ngầm nước đoạn qua xã Đông thì nước đổ về bất ngờ khiến hai cô giáo bị cuốn trôi. Thi thể cô Nga đã được tìm thấy ngay sau đó, cô giáo còn lại vẫn đang mất tích.

NHÓM PV

Tối 15-11, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các địa phương tập trung mọi lực lượng tổ chức sơ tán dân ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; huy động lực lượng kiểm soát chặt chẽ giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua suối để hướng dẫn người và phương tiện qua lại an toàn, nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ; chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi bảo đảm an toàn công trình và cắt giảm lũ cho vùng hạ du, bố trí lực lượng kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong mọi tình huống.

THÀNH NAM

>> Tuyến đường sắt Bắc – Nam đã thông tuyến trở lại ở Phú Yên

Tin cùng chuyên mục