Lũ nhỏ ở ĐBSCL - Các đô thị vẫn ngập

Đến thời điểm này, mùa lũ năm 2012 ở ĐBSCL đang dần khép lại trong “yên tĩnh”. Các nhà khoa học nhận định, mực nước năm nay thấp hơn so với năm 2011 khoảng 1,3 - 1,6m và thấp hơn trung bình nhiều năm 0,9 - 1,1m. Tuy nhiên, đối với các đô thị như Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long… thì đây là năm có triều cường gây ngập nghiêm trọng nhất trong vòng một thập niên qua.
Lũ nhỏ ở ĐBSCL - Các đô thị vẫn ngập

Đến thời điểm này, mùa lũ năm 2012 ở ĐBSCL đang dần khép lại trong “yên tĩnh”. Các nhà khoa học nhận định, mực nước năm nay thấp hơn so với năm 2011 khoảng 1,3 - 1,6m và thấp hơn trung bình nhiều năm 0,9 - 1,1m. Tuy nhiên, đối với các đô thị như Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long… thì đây là năm có triều cường gây ngập nghiêm trọng nhất trong vòng một thập niên qua.

  • Ngập tràn lan...

“Tại sao lũ nhỏ nhưng kết hợp với triều cường các đô thị lại ngập nghiêm trọng đến thế”. Đó là câu hỏi từ người dân đến giới lãnh đạo ở các đô thị hạ nguồn đặt ra? Rõ nhất là hàng chục tuyến đường, hẻm trong nội ô TP Cần Thơ bị ngập nghiêm trọng, có nơi nước ngập đến 0,5m.

Tại Sóc Trăng, triều cường trên sông Hậu dâng cao đột ngột làm vỡ 106 đoạn đê bao, bờ bao với tổng chiều dài 586m; tràn 73 đoạn với tổng chiều dài 9.410m trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, làm ảnh hưởng lớn đến điều kiện sản xuất, đời sống của người dân trong huyện, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Nhiều tuyến đường nội ô ở TP Cần Thơ bị ngập sâu.

Nhiều tuyến đường nội ô ở TP Cần Thơ bị ngập sâu.

Đáng lưu ý, hàng chục ngàn nhà dân ở 2 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng ven theo quốc lộ 1 và quốc lộ 61 bị triều cường dâng cao làm ngập sâu. Nghiêm trọng hơn, nước lũ kết hợp triều cường đã tràn qua quốc lộ 1 trên địa phận xã Đại Hải, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Người dân trong vùng bị ảnh hưởng đang đặt vấn đề: Liệu nước lũ và triều cường có tiếp tục dâng cao trong những năm tới, giải pháp ứng phó ra sao; hay đây chỉ là một “hệ lụy” từ việc thi công kém chất lượng trên tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam. Tại sao quốc lộ 1 (đoạn từ TPHCM đến Cà Mau) có chiều dài hàng trăm cây số, nhưng chỉ có đoạn đi qua nơi đây là bị nước tràn qua quốc lộ! Lỗi do “triều cường” hay lỗi do công trình thi công kém chất lượng?

Có thể nói, tình trạng ngập lụt ở các đô thị ĐBSCL hiện nay diễn ra ngày càng khốc liệt tác động đến đời sống của hàng triệu hộ dân, nhưng “tổng kết” nguyên nhân và đề xuất các giải pháp vẫn chưa cụ thể. Nguyên nhân do mưa lũ, triều cường, bê tông hóa đô thị ồ ạt thiếu kiểm soát, do đất sụp lún… vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Đây là vấn đề liên quan đến an sinh của người dân trong vùng ĐBSCL, nhưng chưa được nhìn nhận thấu đáo.

  • Sụp lún + đê bao = đô thị ngập

Ông Kỹ Quang Vinh, Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, cho biết, mực nước ngày càng dâng cao còn mặt đất thì ngày càng hạ thấp. TP Cần Thơ nằm trong vùng trũng của ĐBSCL, diện tích có cao độ trên 2m chỉ chiếm 0,4% diện tích. Theo lý thuyết, với mực đỉnh triều đo được tại Cần Thơ là 2,05m như vừa qua, gần như toàn bộ Cần Thơ (1.400km²) đã chìm trong biển nước. Các thống kê khoa học về biến đổi khí hậu cho thấy, trong 30 năm trở lại đây nước biển dâng trung bình 3cm/năm và Cần Thơ cũng bị ảnh hưởng bởi mực nước dâng tương ứng. Ngoài việc đỉnh triều cao do nhiều yếu tố khách quan thì cũng ghi nhận được việc mặt đất thực tế có lún sụp do khai thác nước ngầm và mật độ xây dựng đô thị hóa.

Hiện tại, mặt đất tại Cần Thơ lún sụp thế nào và đã hạ thấp độ cao bao nhiêu thì chưa có bất kỳ cơ quan chức năng nào ghi nhận bằng các văn bản cụ thể. Tuy nhiên, các khảo sát của ông Kỹ Quang Vinh trong nhiều năm qua giữa cốt nền đường, cốt các công trình xây dựng và đỉnh triều hàng năm cho thấy mặt đất đang dần lún xuống.

Cùng quan điểm với ông Kỹ Quang Vinh, thạc sĩ chuyên ngành địa kỹ thuật Phạm Văn Nhơn, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ đang nằm lọt thỏm giữa lòng của một dòng sông cổ”. Các nghiên cứu khoa học trên thế giới và Việt Nam từng xác định cách nay hàng triệu năm dòng sông cổ này vắt qua vùng Đồng Nai, trong quá trình kiến tạo địa chất vùng Đồng Nai và TPHCM nâng cao lên và dòng sông cổ bị đẩy dồn về phía Nam. Đáy sông cổ cách mặt đất hiện hữu của Cần Thơ khoảng 45 - 50m, đất bồi tích mới hình thành rất phức tạp, hệ số rỗng của đất cao, việc sụp lún theo thời gian là tất nhiên - nhất là trong tình hình khai thác nước ngầm và xây dựng hạ tầng gia tăng càng làm cho đất lún nhanh hơn.

Để đối phó với biến đổi khí hậu, ông Kỹ Quang Vinh cho rằng cần phải quy hoạch chống ngập nước và xâm nhập mặn cho toàn vùng ĐBSCL. Trong đó, chú trọng cập nhật chính xác hóa bản đồ cao độ của toàn vùng, phục vụ cho quy hoạch phát triển các địa phương. Đây là việc làm cấp bách, nếu không thì những đợt triều cường trong tương lai sẽ là thảm họa cho các đô thị ở ĐBSCL.

Việc tìm hiểu các nguyên nhân cộng hưởng như xây dựng đê bao triệt để sản xuất lúa ở vùng đầu nguồn, việc sụp lún tầng địa chất ở hạ nguồn, nước biển dâng cao… dẫn đến ngập ở các đô thị ra sao là cần thiết. Dư luận quan tâm, các đô thị ở Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng… đã có mốc cao độ chuẩn, mốc quan trắc độ lún mặt đất thời gian vừa qua thực hiện chưa? Một số nhà khoa học cho rằng, các đô thị ở ĐBSCL bị ngập do triều cường cần thống nhất cốt đường và cốt bão lũ, phải xây dựng hệ thống lưới quan trắc cao độ chuẩn, quản lý lại mật độ xây dựng và khai thác nước ngầm…

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục