Tây Nguyên có Đà Lạt, một địa chỉ du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhưng bây giờ du khách đến Tây Nguyên còn có những khám phá, trải nghiệm thú vị khác…
Âm vang cồng chiêng
Hầu như tất cả các tour du lịch Đà Lạt đều có chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng tại Lạc Dương. Cách Đà Lạt hơn chục cây số, một buôn làng của đồng bào dân tộc Cill, Lạch dưới chân núi Langbiang, trước đây là xã Lát, bây giờ là thị trấn, trung tâm huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Tại đây có đến 12 nhóm cồng chiêng và vài trăm ca sĩ không chuyên. Mỗi đêm, hàng ngàn khách du lịch về đây giao lưu, cùng múa hát, uống rượu cần, ăn thịt nướng. Những bài ca, điệu múa, và tiếng cồng chiêng rộn rã khắp làng. Nhạc sĩ Krajan Plin, người lập ra nhóm nhạc “Langbiang và những người bạn”, cho biết: Chính sự tiếp cận với du lịch, làm dịch vụ du lịch mà các nhóm cồng chiêng có thể tồn tại và phát triển như bây giờ.
Khách đến đây được đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng qua đôi tay tài hoa của các diễn viên người dân tộc Cill, Lạch - dân tộc bản địa của vùng đất Đà Lạt, chủ nhân của những bài dân ca, nhạc cụ Tây Nguyên. Nghi thức cầu Yàng, lễ mừng lúa mới giới thiệu những phong tục tập quán của các tộc người Tây Nguyên. Những bài hát do chính các nhạc sĩ dân tộc Cill, Lạch sáng tác, được trình bày bằng những giọng hát trầm khỏe của các chàng trai, giọng hát cao vút trong như nước suối của các cô gái. Du khách ngất ngây với những bài hát đậm chất Tây Nguyên, hào hứng hòa vào vòng xoang uyển chuyển. Họ càng thích thú hơn khi biết buôn làng này có nhiều ca sĩ nổi tiếng như Cill Trinh, Cill Pơi, Krajan Druyn, nhiều em đang theo học tại các trường nghệ thuật, nhiều bài hát được yêu thích, như: Nồng nàn cao nguyên của nhạc sĩ Krajan Dick; Kbing ơi, Giữ ấm bếp hồng, Langbiang s’ting… của Krajan Plin.
Đỉnh Langbiang hùng vĩ, với chuyện tình tha thiết giữa chàng Lang và nàng Biang càng làm cho nhịp cồng chiêng thêm huyền ảo bên ánh lửa bập bùng.
Nhẫn bạc Churu
Nhiều nhóm du khách còn cất công về Đơn Dương, cách Đà Lạt khoảng 50km, thăm làng gốm Kranggọ, về thôn Hawai xem làm nhẫn cưới. Trong căn nhà nhỏ ở thôn Hawai, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), Ya Tuất cùng vợ là Ma Wel, người dân tộc Churu, tỉ mỉ từng thao tác, làm những cặp nhẫn bạc cho mùa cưới. Bạc được mua từ tiệm kim hoàn, còn lại từ thiên nhiên, cây cỏ. Nguyên liệu chính để tạo khuôn là sáp ong, đất sét, phân trâu. Nấu chảy sáp ong, nhúng cái dùi gỗ vào cho sáp bám quanh, lấy ra để nguội, thế là được những ống sáp tròn. Dùng dao tiện quanh dùi gỗ để được những khoen sáp lớn, nhỏ. Tỉ mẩn cắt gọt, tạo hoa văn trên khoen sáp, nếu muốn có hoa văn vặn thừng sẽ phải vê sáp thành những sợi dài rồi bện lại. Cặp khoen sáp được nối với phễu lá dứa qua một cái cuống, rồi đem nhúng vào dung dịch phân trâu- đất sét, phơi cho se, nhúng lại, khoảng 5-6 lần như vậy (trong khoảng nửa ngày) là được những cặp khuôn. Khuôn này được cho qua lửa để sáp ong nóng chảy, phần đất sét- phân trâu còn lại tạo thành khuôn âm bản. Bạc nấu chảy đổ vào phễu lá dứa, chảy vào khuôn thành chiếc nhẫn; gắp thả vào nước lạnh, lớp khuôn bằng phân trâu - đất sét tan ra, còn lại nhẫn bạc, lại gắp thả vào nồi nước bồ kết đang sôi, rồi mài rửa, đánh bóng là hoàn thành sản phẩm. Nhẫn có thể chỉ vài hoa văn đơn giản, nhưng cũng có khi được đính thêm hạt kơnia, hoặc đá cho đẹp hơn. Những chiếc nhẫn bạc thô ráp, đơn giản như cuộc sống mộc mạc, chân chất của bà con dân tộc Churu ở Tây Nguyên.
Ya Tuất giải thích: Nhẫn cưới là vật trang sức, của hồi môn và cũng là tín vật không thể thiếu trong hôn ước của người Churu. Srir là nhẫn mái (dành cho nữ), Kơrah là nhẫn trống (dành cho nam), cặp nhẫn trao nhau ngày cưới cũng là lời nguyền sống bên nhau trọn đời. Trong lễ cưới của người Churu, nghèo mấy cũng phải có nhẫn bạc. Nhẫn cho cô dâu, chú rể, nhẫn cho người thân trong gia đình, nên mỗi đám cưới phải sắm vài chục chiếc. Nghề làm nhẫn được gia truyền trong dòng họ, tuy thu nhập không nhiều nhưng phải cố giữ. Đến đây, tận mắt xem làm nhẫn, nghe câu chuyện thần bí về cặp nhẫn cưới (thậm chí còn có thể tham gia một công đoạn nào đó), và không ít đôi bạn trẻ đã đeo vào ngón tay mình chiếc nhẫn bạc kỷ niệm chuyến đi.
Từ Đà Lạt, du khách cũng có thể chọn tuyến đường về phường 7, phường 8, phường 12, xem nông dân trồng rau hoa công nghệ cao; về Nam Ban (huyện Lâm Hà) xem ươm tơ dệt lụa, nuôi dế... Những chuyến du lịch Tây Nguyên còn có thể nối dài đến Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. Đắk Nông có khí hậu mát lành với những cánh rừng đặc dụng bạt ngàn, với nhiều hồ, thác tuyệt đẹp, như thác Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ, Đắk G’lun, Lưu Ly, Đray Nur, hồ Ea Snô, hồ Tây, hồ Trúc. Đắk Lắk có Buôn Đôn và những câu chuyện huyền thoại về Vua săn voi Ama Kong… Đến Tây Nguyên, mọi người cũng sẽ có cơ hội thăm những buôn làng truyền thống, những ngôi nhà dài của bà con Ê Đê, Mơ Nông, Jarai, Bana. Vùng đất Tây Nguyên bao la cho mọi người nhiều cơ hội khám phá, tìm hiểu thiên nhiên, đời sống văn hóa, xã hội phong phú của các tộc người bản địa.
BÌNH NGUYÊN