Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 chỉ dao động ở mức 400 USD/tấn. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đặt hàng các nhà khoa học sản xuất ra giống lúa đạt ngưỡng xuất khẩu khoảng 700 USD/tấn gạo. Trong khi đó, nông dân Sóc Trăng đã tạo nên một kỳ tích khi sản xuất lúa thơm, xuất khẩu đạt 1.000 USD/tấn gạo.
Chất xúc tác phồn vinh
Từ năm 2008 - 2010, giống lúa thơm ST5 của Sóc Trăng đã được xuất khẩu với giá trị lên đến 730 USD/tấn gạo. Hiện nay, có sụt giảm nhưng giá gạo ST5 vẫn luôn ở mức từ 600 USD/tấn trở lên. Đây mới chỉ là giống lúa thơm thuộc dạng “bậc trung”, chứ chưa phải cao cấp. Sau đó, nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua đã cho ra đời các giống lúa: ST đỏ, ST tím và các giống ST từ 20 đến 25, có giá trị xuất khẩu 800 - 1.000 USD/tấn gạo. Trong đó, giống ST20 đang được sản xuất ngày càng phổ biến tại những vùng 2 vụ lúa, một lúa - một tôm trong tỉnh và một tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL. “Giống là chất xúc tác cho sự phồn vinh”, kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, nhận định.
Năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992), GS nông học Võ Tòng Xuân tặng tỉnh nghèo mới chia tách 10ha giống lúa Khao Dawk Mali. Đến năm 1995, Sóc Trăng nổi tiếng ở ĐBSCL với diện tích lúa Khao Dawk Mali là 5.000ha”, kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ giống lúa thơm ST bồi hồi nhớ lại. Từ đó, Sóc Trăng đã chắp cánh cho năm giống lúa thơm, trong đó các giống tồn tại trong sản xuất là ST1, ST3, ST5. ST1 phù hợp vùng nước ngọt nên phát triển nhiều ở Cần Thơ, Hậu Giang; lúa ST3 phát triển nhiều ở vùng nước lợ và lúa ST5 chỉ phát triển được ở vùng hai vụ lúa ven biển vì có chu kỳ dài. Thị trường tiêu thụ liên tục mở rộng, diện tích lúa ST không ngừng tăng lên: Từ 5.000ha năm 1995 đến năm 2015 đạt gần 100.000ha.
Nói có vẻ đơn giản, nhưng mất gần 20 năm, các kỹ sư như Hồ Quang Cua mới tạo lập được thương hiệu. Đó là một quá trình kiên trì từ nghiên cứu các tiêu chuẩn độ dài hạt, hàm lượng amylose, độ ẩm gạo Thai Hom Mali (Thái Lan) cho đến những đúc kết nội địa như “gạo phía Nam thơm mùi lá dứa, gạo phía Bắc thơm đậm mùi cốm”. Những nghiên cứu đó càng có ý nghĩa khi Công ty Gentraco (Cần Thơ) phối hợp với ngành nông nghiệp Sóc Trăng xây dựng HTX Lúa - tôm Hòa Lời sản xuất lúa thơm đạt chứng nhận Global GAP và thương hiệu gạo thơm Ngọc Đồng.
Trong gần 3 năm nay, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” cho tỉnh Sóc Trăng đã mang lại nhiều động lực cho nông dân. Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã trao quyền sử dụng nhãn hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” thời hạn 3 năm cho 5 doanh nghiệp: Công ty CP Gentraco (Cần Thơ) và 4 doanh nghiệp khác trong ngành lương thực Sóc Trăng. “Mối lương duyên” giữa HTX Lúa - tôm Hòa Lời và Công ty CP Gentraco do kỹ sư Hồ Quang Cua “mai mối” đã đơm hoa kết trái. Xã viên HTX trúng mùa, trúng giá, nhiều gia đình đã vươn lên khá giả nhờ trồng lúa thơm.
Giáo sư Nông học Võ Tòng Xuân (giữa) cùng kỹ sư Hồng Quang Cua (đứng) trong một lần thăm đồng lúa ST. Ảnh: Cao Phong
Thắng sân khách lẫn sân nhà
Những thành tựu trong nghiên cứu, chọn tạo giống lúa thơm đã đưa Sóc Trăng trở thành “thủ phủ” lúa thơm. Nhiều doanh nghiệp đã “khăn gói” đến Sóc Trăng đầu tư, thu mua, chế biến xuất khẩu với mức giá 600 - 800 USD/tấn trở lên. Như vậy, không phải đợi đến năm 2020 như mục tiêu Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo của Bộ NN-PTNT đặt ra, mà từ bây giờ, các doanh nghiệp có thể đến Sóc Trăng để cùng hợp tác sản xuất, phát huy giá trị những giống lúa này.
Hiện nay, giá gạo thơm ST20 bán tại các thị trường lớn như, TPHCM, Hà Nội… không dưới mức 20.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên đến 25.000 đồng/kg nhưng vẫn hút hàng. “Thị trường gạo thơm ST20 hiện còn rất lớn, do có chất lượng thơm ngon không thua gì những loại gạo thơm của một số nước đang được bày bán tại các siêu thị”, ông Lâm Định Quốc, Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng cho biết.
Có thể nói, Sóc Trăng “Thủ phủ lúa thơm” đã giải quyết được hai vấn đề. Một là đặt nền móng vững chắc cho khát vọng giống lúa đạt ngưỡng xuất khẩu 700 USD/tấn gạo, hai là giúp nông dân trồng lúa đạt lợi nhuận trên 30%, như mong muốn của Chính phủ “Sóc Trăng đang triển khai Đề án vùng sản xuất lúa đặc sản được quy hoạch sản xuất theo cánh đồng lớn gắn với hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm. Đề án này là đòn bẩy hình thành những “Con đường lúa thơm”, “Làng lúa thơm”, “Huyện lúa thơm” và tiến tới trở thành “Tỉnh lúa thơm” đầu tiên của cả nước”, Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng Quách Văn Nam cho biết.
XUÂN TRƯỜNG - CAO PHONG