
Được công chiếu nhân tháng Đại lễ Vu Lan của Phật giáo, bộ phim tài liệu Samsara đã thu hút khán giả nhiều nước trên thế giới đến rạp. Nguyên nhân không chỉ do bộ phim lấy đề tài Phật giáo, mà còn vì những cảnh quay chân thực và lay động lòng người trong phim.

Khu đền cổ Pagan ở Myanmar.
Samsara là một từ tiếng Phạn để chỉ luân hồi, nghĩa là vòng sinh tử, một khái niệm quan trọng đối với nhiều tôn giáo ở châu Á. Bộ phim đã vẽ lên một bức tranh sinh động về cuộc sống chuyển động không ngừng của thế giới đầy màu sắc, về cảnh sinh hoạt của toàn nhân loại cũng như những biến đổi của thiên nhiên kỳ vỹ trong vòng luân hồi của vũ trụ. Ý tưởng quan trọng của bộ phim là nhằm cung cấp cho khán giả nhiều điều bí ẩn và những cảnh quan của thế giới mà trí tưởng tượng con người không thể vẽ ra.
Đạo diễn kiêm quay phim Ron Fricke (Mỹ) cùng ê kíp đã dành 5 năm đi qua 120 địa điểm thuộc 25 quốc gia khắp thế giới để mang đến những thước phim được giới phê bình điện ảnh đánh giá là “gây bội thực cảnh đẹp”.
Trong đó có nhiều địa điểm hiểm trở và xa xôi hẻo lánh, đây cũng chính là yếu tố thu hút người xem. Điển hình, đoàn làm phim đã mất nhiều ngày để đi bộ đường dài quanh khu di tích Betatakin của người Mỹ bản địa ở bang Arizona chỉ để có được một khung hình đẹp trong vỏn vẹn 8 giây. Hay đó là những thước phim tuyệt đẹp được quay tại khu đền thờ Pagan ở đất nước Myanmar bí ẩn; đền cổ Kaaba ở thánh địa Mecca của người Hồi giáo; những bức tranh cát trong một tu viện Tây Tạng ở Ấn Độ; những tượng đầu đá khổng lồ ở một ngôi mộ có từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên tọa lạc tại Công viên quốc gia núi Nemrut, Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ; cảnh núi lửa Kilauea đang hoạt động ở Hawaii; từ thành phố Versailles hoa lệ của Pháp đến dòng xe và người qua lại trên các đại lộ hiện đại của Mỹ.
Chính sự kỳ công trên đã khiến nhiều nhà phê bình phải cho rằng, cũng giống như các bộ phim trước của Ron Fricke, như Baraka, Chronos hay Koyaanisqatsi, Samsara có thể khiến khán giả “phải nín thở thưởng thức”. Ngoài các kỳ quan bộ phim còn mang đến những cảnh hoạt động của con người, tất nhiên là những hoạt động đặc biệt như ở Trung tâm phục hồi nhân phẩm tỉnh Cebu, Philippines, một nơi nổi tiếng về việc cho hàng ngàn tù nhân nhảy múa tập thể.
Tuy nhiên, mang ý nghĩa luân hồi nên bộ phim cũng chú ý đến những góc trái mà người xem sẽ không muốn tưởng tượng hay nhớ đến. Chẳng hạn như quá trình phẫu thuật một người béo phì hay ý tưởng nghệ thuật ghê rợn của một người Pháp tên Olivier de Sagazan, hay khung cảnh tàn phá ở New Orleans do bão Katrina hồi năm 2005. Tất cả đan xen với nhau đôi lúc khó nắm bắt nhưng đây cũng chính là ý đồ của đoàn làm phim, giải phóng tâm trí người xem khỏi không gian chật hẹp của rạp chiếu và ra khỏi cả vùng đất mình đang sống.
Thanh Hải