Luật Biểu tình - Nên hay không?

LTS: Diễn đàn Quốc hội ngày 17-11-2011 đã diễn ra tranh luận rất sôi nổi về nên hay không có Luật Biểu tình. Nhiều người dân theo dõi kỳ họp Quốc hội tỏ ra rất quan tâm về vấn đề liên quan rất nhiều đến thực tế đời sống xã hội hiện nay. Báo SGGP xin giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc về vấn đề này.

  • Không nên vội vàng bác bỏ

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 tại Điều 69 có ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Trước kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự Luật Biểu tình là muốn thể hiện các quy định của pháp luật về biểu tình đúng theo Hiến pháp vì vấn đề “biểu tình” đang được nhiều người quan tâm.

Từ khi có Hiến pháp và được sửa đổi, bổ sung tới nay đã nhiều năm nhưng “biểu tình theo quy định của pháp luật” vẫn chưa được thành luật. Nay tới lúc Chính phủ thấy cần đem ra thảo luận ở Quốc hội. Đây là việc làm đúng đắn và nghiêm túc, hơn nữa biểu thị tính dân chủ, tự do của đất nước ta, quyền tự do của công dân.

Theo tôi, các đại biểu Quốc hội không nên quá lo lắng tới trình độ nhận thức của người dân liên quan tới biểu tình. Khi chưa trưng cầu ý dân và chưa đưa ra nhân dân, cử tri góp ý thì chưa nên nói tới các quyền tự do của họ mà Hiến pháp đã quy định. Hiến pháp đã quy định “biểu tình theo quy định của pháp luật” thì chúng ta nên tạo quy định, luật cho vấn đề này.

Khi đã có luật, có quy định thì các cơ quan hữu trách cứ theo đó mà xử lý. Nếu sợ dân biểu tình mà ngăn cấm biểu tình thì còn đâu là dân chủ, tự do của một nhà nước pháp quyền do dân và vì dân. Biểu tình không có nghĩa xấu mà chỉ đúng hay không đúng luật mà thôi và đó là quyền tự do của công dân được Hiến pháp quy định. Và đấu tranh cho một vấn đề có nghĩa là vấn đề “phản biện, giám sát” tập thể, cộng đồng để biểu thị ý chí, ý kiến của công dân.

V.L. (Mặt trận Tổ quốc quận 1)

  • Cần có luật pháp rõ ràng

Có đại biểu cho rằng “với trình độ dân trí và điều kiện kinh tế xã hội của nước ta hiện nay, việc cho ra đời Luật Biểu tình là chưa cần thiết, thậm chí rất dễ bị một số đối tượng lợi dụng”… Ngược lại, có đại biểu lại nói: “Quyền được biểu tình để biểu thị chính kiến, tình cảm của công dân đã được quy định rõ trong Hiến pháp”.

Theo tôi, cần có Luật Biểu tình rõ ràng vừa để bảo đảm quyền dân chủ của người dân vừa đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Để việc biểu tình không bị lợi dụng tôi nghĩ cần có luật quy định rõ việc tổ chức biểu bình. Như mọi người đã biết tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I, ngày 18-12-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, trong đó Bác viết: …Tất cả các cơ quan Nhà nước phải dựa vào dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân.

Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền làm việc; có quyền nghỉ ngơi; có quyền học tập; có quyền tự do thân thể; có quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình; có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào; có quyền bầu cử, ứng cử... Nhà nước đảm bảo quyền tự do dân chủ cho công dân, nhưng nghiêm cấm lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, của nhân dân.

Vì vậy công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, kỷ luật lao động, trật tự công cộng và những quy tắc sinh hoạt xã hội.

B.H. (Phú Nhuận, TPHCM)

  • Hiến pháp đã khẳng định, vấn đề là triển khai

Hiến pháp năm 1959 đã quy định: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình”. Hiến pháp năm 1980 cũng quy định: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình phù hợp với lợi ích của CNXH và của nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó. Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”. Đến Hiến pháp năm 1992 cũng quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, tại các bản Hiến pháp được ban hành từ trước đến nay, quyền biểu tình của người dân luôn được khẳng định. Tuy nhiên, các quy định về quyền biểu tình của Hiến pháp chưa được thể chế hóa bằng Luật Biểu tình, do vậy trong thời gian qua việc thực thi và kiểm soát rất khó khăn. Những vụ việc người lao động đình công đòi yêu sách với chủ doanh nghiệp về cải thiện mức lương và điều kiện làm việc, hay người dân vùng quy hoạch giải tỏa tụ tập phản đối chủ đầu tư vì mức giá đền bù không hợp lý, thường không có hành lang pháp lý để kiểm soát.

Chính vì vậy, chính quyền địa phương thường có xu hướng tránh né, ngại thông tin về những vụ việc này, thậm chí phản ứng lúng túng, khiến những người lạm dụng quyền tự do, dân chủ có cơ hội xuyên tạc và có hành vi manh động.

Thật ra biểu tình là hình thức tụ họp đông đảo bất bạo động để bày tỏ ý chí, nguyện vọng. Khi diễn ra biểu tình đúng pháp luật, có sự kiểm soát sẽ vừa bảo đảm cho người dân bày tỏ ý kiến trước những vấn đề bức xúc, vừa bảo đảm cho hoạt động này diễn ra với yêu cầu chính đáng, theo đúng giấy phép, giữ an ninh trật tự và tránh bị kẻ xấu xách động, gây rối.

Như thế, rõ ràng quyền biểu tình, Hiến pháp Nhà nước ta đã khẳng định, vấn đề là triển khai sao cho đúng luật, ích nước, lợi dân.

Nguyễn Thanh Trúc (Q.5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục