Chuyện doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển giá lại tiếp tục “nóng” trong dư luận. Chuyển giá là nguyên nhân chính tạo ra hiện tượng lời thật, lỗ giả của nhiều doanh nghiệp FDI trong thời gian dài. Theo báo cáo của Chính phủ, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI rất tốt, doanh thu tăng 28%, tài sản tăng 22%, nhưng doanh nghiệp báo lỗ và lỗ lũy kế, lỗ mất vốn cũng tăng rất cao. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến thu ngân sách từ khu vực này chỉ đạt 83,6% dự toán trong năm 2018. Các báo cáo của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, mỗi năm có khoảng 40%-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, lỗ nhiều năm, thậm chí đến mức âm vốn nhưng vẫn hoạt động, thậm chí mở rộng kinh doanh. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra tại các doanh nghiệp và đã xử lý giảm lỗ 40.900 tỷ đồng, thu vào ngân sách Nhà nước 19.000 tỷ đồng.
Chuyện chuyển giá thường xảy ra ở hai khâu, là khâu đầu tư ban đầu và khâu sản xuất - kinh doanh. Đáng chú ý, việc thanh tra, kiểm tra thuế mới chỉ ở khâu sản xuất kinh doanh, còn ở khâu đầu tư thì chưa. Các chuyên gia cảnh báo rất nhiều về việc chống chuyển giá từ khâu đầu tư, là nơi làm thất thu ngân sách rất lớn, bởi các doanh nghiệp có thể khai vống số tiền đầu tư để sau này thực hiện việc chuyển giá từ quá trình khấu hao tài sản. Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng cho biết, qua rà soát việc thực thi Luật Đầu tư, đã phát hiện ra kẽ hở, như có doanh nghiệp đầu tư 1 triệu USD nhưng khai lên 2 triệu USD, nên toàn bộ phần khấu hao tài sản cố định nhà đầu tư rút ra được hết, giảm ngay tiền thu nhập chịu thuế. Sửa Luật Đầu tư tới đây, Bộ KH-ĐT dự kiến đưa vào lại một điều khoản là trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể có quyền thuê công ty giám định để giám định lại tài sản đã đầu tư. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ chế trong trường hợp cần thiết, Nhà nước giám định chi phí đầu tư thực của doanh nghiệp, thay vì để nhà đầu tư “tự giác” như hiện nay. Nhà đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm trước kết quả đó và phải trả cả chi phí giám định... Điều này sẽ khắc phục được một bước tình trạng chuyển giá ở khâu đầu tư.
Hành vi chuyển giá xảy ra phổ biến đối với doanh nghiệp FDI nhưng gần đây đã “lây lan” sang cả các doanh nghiệp trong nước (chuyển giá nội địa), gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước, làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Do đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn hành vi này. Khi thảo luận về Luật quản lý thuế sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã nêu rất nhiều bức xúc về vấn đề chuyển giá.
Chúng ta đã có những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp, tuy nhiên hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Do vậy, muốn kiểm toán tốt hoạt động chuyển giá phải hoàn thiện hành lang pháp lý, cần đưa ra khung pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn chuyển giá ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia đã đề xuất cần có riêng luật chống chuyển giá, bởi chống chuyển giá không thể cắt khúc bằng việc sửa Luật Đầu tư hay luật nào đó có liên quan để bịt lỗ hổng, mà cần xây dựng chế tài mạnh hơn với hành vi chuyển giá, trốn thuế. Tất cả các nội dung chống chuyển giá, từ phòng ngừa, ngăn chặn, đến phát hiện, xử lý hành vi chuyển giá phải được quy định trong luật chung thống nhất. Song song đó, các cơ quan: kiểm toán, thuế, hải quan, ngân hàng, cơ quan quản lý đầu tư cần tăng cường phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin doanh nghiệp, nhất là khu vực FDI, nhằm có những phân tích rủi ro đầy đủ.