Luật nhập cư mới của châu Âu gây nhiều tranh cãi

Luật mới về nhập cư vừa được Liên minh châu Âu (EU) thông qua đã gây bất bình cho các tổ chức nhân quyền cũng như các nhà lãnh đạo các nước Nam Mỹ.

Theo luật này, người nhập cư bất hợp pháp có thể bị bắt giam 6 tháng hoặc đến 18 tháng trước khi bị trục xuất và bị cấm quay lại châu Âu 5 năm sau. Luật sẽ có hiệu lực vào năm 2010.

Đi đầu phản đối là Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, với lời dọa không bán dầu cho châu Âu. Tổng thống Bolivia, Evo Morales gọi những trại giam này là “những trại tập trung”. Tổng thống Ecuador, Rafael Correa, ngày 21-6, tuyên bố sẽ xem xét khả năng cắt các cuộc đối thoại với EU. Hiện Cộng đồng các nước vùng Andes (CAN) và EU đang đàm phán ký hiệp định đối tác. Tổng thống Correa nhấn mạnh quy định mà EU đưa ra “chà đạp nhân phẩm và làm nhục những người nhập cư”.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Ecuador, quy định mới của EU sẽ ảnh hưởng tới hơn 3 triệu người nhập cư từ các quốc gia thành viên CAN (gồm Ecuador, Colombia, Peru và Bolivia).

Nhập cư bất hợp pháp là vấn đề đau đầu của châu Âu trước làn sóng người đến từ các nước Mỹ Latinh, châu Phi,… Hàng năm có khoảng 300.000 người bị bắt tại biên giới các nước châu Âu. Từ 2003 Pháp đã coi chống nhập cư bất hợp pháp là một ưu tiên.

Trước áp lực của xã hội, năm 2006 Pháp đã phải hợp thức hóa cho 6.927 cha mẹ có con học tại nước này nhưng cũng đã ra nhiều đạo luật nhằm ngăn chặn nhập cư. Anh có phần rộng tay hơn với người nhập cư nhưng nay cũng thắt chặt. Các nước châu Âu dần áp dụng “nhập cư có chọn lọc”, như chỉ cho nhập cư những người có tay nghề cao hoặc đoàn tụ gia đình,….

Tuy nhiên có một thực tế là nhiều người nhập cư đến châu Âu và kiếm sống bằng những việc mà người châu Âu không muốn làm, tại đô thị cũng như trên các cánh đồng. Tại Italia, gần 300.000 người trên tổng số 1,5 triệu người được các gia đình Italia thuê trông con và chăm sóc người già là dân nhập cư bất hợp pháp. Có thể nói họ đã cung cấp cho các nước châu Âu một lực lượng lao động cần thiết và không đáng bị đối xử tệ.

Luật mới của EU về người nhập cư cũng không được LHQ ủng hộ.Liệu EU có rút lại quyết định trên trước những phản ứng của các tổ chức nhân quyền cũng như của các nước?

Câu hỏi còn chờ trả lời khi biện pháp mới này sẽ là “xương sống” cho “Hiệp ước nhập cư” mới của châu Âu sẽ được Pháp giới thiệu vào tháng 7 tới khi nước này là Chủ tịch Luân phiên của EU.

Lệ Thư

Tin cùng chuyên mục