Luật phải rõ, tránh để “thắng mà tốt thì được khen, thắng mà sai đi tù” ​

Dự thảo Luật Dầu khí quy định “dự án dầu khí có nội dung xây dựng trên đất liền thì phải bổ sung các báo cáo theo quy định tại Luật Xây dựng mà không nói cụ thể là quy định gì, tìm trong Luật Xây dựng cũng không thấy có”. Điều này sẽ tạo ra rủi ro cho công tác cán bộ, vì người dám làm có thể “thắng mà tốt thì được khen, thắng mà sai đi tù”, Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam, ông Nguyễn Huy Quý nhận xét. 

Ngày 19-5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo về một số vấn đề thực tiễn đặt ra trong hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí nhằm góp phần phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam.

Luật phải rõ, tránh để “thắng mà tốt thì được khen, thắng mà sai đi tù” ​ ảnh 1 Quang cảnh buổi hội thảo 

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 (khai mạc ngày 23-5 tới đây).

Tại hội thảo, các ý kiến đều thống nhất cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí. TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, việc sửa đổi Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan sẽ giúp "mở cánh cửa mới" cho ngành dầu khí Việt Nam nói riêng và cho hành trình phát triển năng lượng của đất nước nói chung.

Đồng tình với sự cần thiết xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí, song TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) chưa thể hiện rõ nhiều vấn đề mang tính thời đại, xu hướng mới như cục diện bản đồ năng lượng toàn cầu và châu Á, nội dung có thể ảnh hưởng sâu rộng đến ngành dầu khí; về xu hướng thị trường có nhiều thay đổi; cũng như khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến, cạnh tranh giá; những nguồn năng lượng mới như đá phiến, băng cháy...

Bên cạnh đó, các điều khoản về tài chính trong phạm vi dự án Luật chưa được đề cập cụ thể như chính sách ưu tiên, phương án chi ngân sách, huy động vốn đầu tư cho ngành dầu khí, vấn đề cạnh tranh thị trường…

Đến từ cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu cho biết, một trong những vấn đề “đang thảo luận nhiều nhất” là mô hình của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Theo ông Hiếu, tại một số quốc gia không có công ty dầu khí quốc gia với chức năng quản lý nhà nước, các công ty chỉ hoạt động vì mục tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, ở một số nước như Petronas của Malaysia thì có công ty dầu khí quốc gia với vai trò quản lý nhà nước. Mô hình khác là nhà đầu tư thuần túy (như Indonesia)…

“Nếu như chấp nhận mô hình thực hiện cổ phần, vậy vai trò quản lý nhà nước của PVN đến đâu là phù hợp trong bối cảnh nước ta”, ông Hiếu nêu vấn đề. Theo đại biểu, luật cần quy định rõ ràng vai trò pháp lý của PVN, nhưng vấn đề là chấp nhận mô hình nào.

Tham gia thảo luận, ông Đoàn Văn Thuần, Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, dự thảo mới nhất của Luật Dầu khí trình Quốc hội thì cơ quan soạn thảo tiếp tục duy trì mô hình bắt đầu từ năm 1993 đến nay, nghĩa là PVN vừa tham gia quản lý nhà nước đồng thời là nhà đầu tư. Bày tỏ ủng hộ phương án như dự thảo, ông Thuần cho biết, nếu thay đổi mô hình thì PVN sẽ phải thay đổi rất nhiều về thể chế và nhân lực…

Liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí theo hướng bám sát thực tiễn, giải quyết các vướng mắc hiện tại cho ngành dầu khí, Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam, ông Nguyễn Huy Quý nhận xét, dự thảo Luật Dầu khí quy định “dự án dầu khí có nội dung xây dựng trên đất liền thì phải bổ sung các báo cáo theo quy định tại Luật Xây dựng mà không nói cụ thể là quy định gì, tìm trong Luật Xây dựng cũng không thấy có”. Điều này sẽ tạo ra rủi ro cho công  tác cán bộ, vì người dám làm có thể “thắng mà tốt thì được khen, thắng mà sai đi tù”.

Luật phải rõ, tránh để “thắng mà tốt thì được khen, thắng mà sai đi tù” ​ ảnh 2 Công nghệ và thị trường dầu khí đang có những thay đổi hết sức nhanh chóng 
Chia sẻ với nhận định này, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cũng đề nghị phải quy định chi tiết, rõ ràng trong luật để cả chuyên viên lẫn lãnh đạo dễ thực hiện, nếu không sẽ rất khó bảo vệ cán bộ.
Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Văn Vy nói: “Chọc một mũi khoan là mấy chục triệu đô mà có thể có dầu hoặc không, nên phải quy định chi tiết để cán bộ dễ làm, cũng là bảo vệ cán bộ. Quy định đúng ở luật này nhưng đối chiếu luật khác lại sai thì rất khó làm”.

Tin cùng chuyên mục