Mua hàng online tăng gấp 3
Hiện nay, có hàng loạt website thương mại điện tử lớn ra đời, từ du lịch đến ăn uống, mua sắm tiêu dùng đã được người dân thành thị sử dụng thường xuyên. Theo kết quả khảo sát của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa được công bố cho thấy, xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt, đặc biệt với người tiêu dùng trẻ. Nếu kết quả khảo sát đầu năm 2017 về nơi chọn mua sản phẩm cho thấy, mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%, thì chỉ sau 1 năm, số người tiêu dùng chọn mua online đã tăng 2,7% lần.
Chiếm tỷ lệ cao nhất trong thương mại điện tử là các dòng sản phẩm thuộc ngành hàng thiết bị, đồ điện tử kỹ thuật cao, đồ chơi, dụng cụ thể thao, mỹ phẩm, dụng cụ làm đẹp, văn phòng phẩm và các mặt hàng thời trang với khoảng 10% - 30% người tiêu dùng chọn mua online. Mặc dù con số tham gia thị trường thương mại điện tử chưa cao, nhưng xu hướng trong tương lai sẽ phát triển mạnh, bởi hiện nay rất nhiều người, kể cả người mua trực tiếp, vẫn sử dụng kênh online để tham khảo thông tin, đối chiếu giá trước khi lựa chọn sản phẩm. Cụ thể, có đến 23% người tiêu dùng lựa chọn các kênh online để tham khảo thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm, tăng 5% so với kết quả khảo sát năm 2017. Trong đó, website công ty có tỷ lệ tham khảo tăng gấp đôi (từ 3,3% lên 6,7%). Trang web doanh nghiệp là kênh cung cấp thông tin đáng tin cậy, được nhiều khách hàng tin tưởng khi đối chiếu giá và các thông số sản phẩm.
Là thị trường thương mại năng động bậc nhất cả nước nên TPHCM hiện có hơn 61.000 website thương mại điện tử hoạt động ổn định (theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP). Năm qua, doanh thu thương mại điện tử của TPHCM đạt hơn 53.870 tỷ đồng, chiếm 40% thị trường thương mại điện tử cả nước.
Vẫn khó thu thuế
Dù con số doanh thu trong hoạt động thương mại điện tử tăng khá cao nhưng số thuế thu được chẳng bao nhiêu và không dễ dàng. Nhìn riêng, việc bán hàng trên facebook chiếm tỷ lệ khá cao trong thương mại điện tử nói chung, nhưng cơ quan thuế khó có thể thu được thuế bởi người bán và khách hàng trao đổi và thanh toán riêng, nơi bán không có địa điểm, cửa hàng, nơi mua không rõ ràng nên khó có thể kiểm tra, giám sát việc thu thuế. Ngoài ra, do luật quy định về sàn đăng ký giao dịch thương mại điện tử là các trang mạng xã hội, nhưng nước ta không quản lý được trang facebook (kể cả các trang đặt máy chủ ở nước ngoài) nên không thể phối hợp xử lý vi phạm hay thu thuế. Và một khi quyền lợi của chủ facebook khá cao khi các trang bán hàng chạy quảng cáo, trả tiền quảng cáo cho facebook thì họ phải bảo vệ khách hàng của mình.
Mặt khác, những hàng hóa trên thị trường thương mại điện tử cũng rất khó kiểm tra, giám sát. Hầu hết hàng được rao bán có xuất xứ từ nước ngoài nhưng lại không kiểm tra được nguồn gốc. Kết quả khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 cho thấy, sản phẩm trong nước dù vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng là 51% và 60%, nhưng đã giảm đáng kể (lần lượt giảm 27% và 32%) so với kết quả khảo sát năm 2017.
Trong khi đó, các sản phẩm ngoại nhập có xuất xứ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc lại tăng lên, chiếm ưu thế. Năm 2017, sản phẩm ngoại nhập từ 3 nước trên được người tiêu dùng mua dưới 3%, thì năm nay đã tăng lên 8% - 10%, riêng sản phẩm bánh kẹo, đồ uống chiếm đến 12% - 17%.
Do vậy, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, để tránh thất thu thuế, đã đến lúc Nhà nước cần thay đổi phương thức quản lý. Cụ thể, phải có sự phối hợp giữa các ngành công thương, thông tin truyền thông, ngân hàng, thuế… để quản lý từ khâu cấp phép các trang web bán hàng đến theo dõi trên mạng để có giải pháp thu thuế. Đặc biệt, các ngân hàng phải theo dõi các tài khoản mua bán qua mạng để phối hợp thu thuế, đừng để đi sau, giải quyết hậu quả, như đã từng truy thu hàng chục tỷ đồng của một cá nhân kinh doanh qua mạng gần đây.