Trong quá trình chế biến thực phẩm, công đoạn chiên các sản phẩm tại công ty đều sử dụng băng chuyền chiên gia nhiệt bằng dầu D.O. Khi vận hành, dầu gia nhiệt D.O tỏa ra nhiệt độ cao khiến xưởng sản xuất rất nóng. Nhiều lần chứng kiến công nhân phải làm việc trong môi trường nóng bức khó chịu, câu hỏi “Làm cách nào để anh chị em đỡ phải chịu nóng?” cứ đeo đẳng trong lòng anh Nguyễn Thanh Hiền - kỹ sư của Phòng Kỹ thuật cơ điện (Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, nay là Công ty cổ phần thực phẩm CJ Cầu Tre).
Giảm độc hại
Rồi một buổi chiều, trên đường chạy xe từ công ty về nhà, anh Hiền chợt lóe lên suy nghĩ: nếu thay dầu D.O sang dùng điện sẽ vừa an toàn vừa giảm được nhiệt độ tỏa ra. Ý tưởng được ban giám đốc công ty chấp thuận, anh Hiền bắt tay vào việc thiết kế cải tạo băng chuyền chiên gia nhiệt. Sau một tháng chờ nhận linh kiện, phụ tùng theo đơn đặt hàng và tiến hành lắp ráp, băng chuyền mới đã vận hành thành công. Ngoài việc giúp công nhân không bị nóng bức khi làm việc, băng chuyền mới còn giảm khí thải carbon dioxit (CO2, gây hiệu ứng nhà kính) được sinh ra trong quá trình đốt cháy dầu D.O; đồng thời giúp công ty tiết kiệm mỗi năm 240 triệu đồng do giảm chi phí sử dụng dầu D.O.
Với băng chuyền cấp đông IQF được sản xuất từ năm 1982 - 1983, lúc trước thời gian cấp đông bạch tuộc để ra hàng đóng gói tại Công ty Cầu Tre mất 30 phút. Hơn thế nữa, kết cấu bên trong băng chuyền quá kín, khiến cho việc vệ sinh ở những góc khuất gặp khó khăn. Anh Hiền nghĩ cách thiết kế lại băng chuyền cấp đông, bỏ vỏ hộp bên ngoài để băng chuyền thông thoáng hơn và dùng thiết bị trao đổi nhiệt trực tiếp vào sản phẩm. Những cải tạo trên đưa thời gian cấp đông bạch tuộc xuống còn 20 phút, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể dễ dàng vệ sinh băng chuyền ở bất kỳ vị trí nào và giúp băng chuyền hoạt động ổn định hơn, không phải ngừng hoạt động để điều chỉnh bơm lên áp như trước đây.
Đó chỉ là 2 trong 9 sáng kiến cải tiến kỹ thuật của kỹ sư Nguyễn Thanh Hiền từ năm 2001 đến nay. Giá trị của những sáng kiến này không chỉ là làm lợi cho công ty hơn 1,1 tỷ đồng, mà còn giảm lao động làm thủ công, tạo môi trường lao động không tiếng ồn...
Thả lòng với những đam mê
Ngoài ra, anh Hiền là đồng tác giả của 3 sáng kiến khác, đem lại hiệu quả hơn 1,3 tỷ đồng cho công ty. Được hỏi “bí quyết” gì để có được nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật như vậy, anh cười hiền lành, nói đơn giản: “Kết quả này là nhờ công ty thường xuyên phát động phong trào, luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để công nhân viên đưa ra những sáng kiến của mình. Bản thân tôi có sự đam mê trong công việc, muốn làm những gì mới, đem lại tiết kiệm và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho công ty”. Chính từ sự đam mê này, những ý tưởng đổi mới luôn nằm trong tâm trí anh Hiền; và vì vậy phần lớn các sáng kiến của anh nảy sinh trong những lúc anh đi đường - khoảng thời gian không phải bận bịu với công việc chuyên môn, có thể thả lòng suy nghĩ về điểm kỹ thuật cần cải tiến.
Bên cạnh sự nhiệt huyết trong công việc, anh Hiền được mọi người quý mến bởi anh luôn tận tình hướng dẫn đồng nghiệp về các giải pháp tăng năng suất, giảm lao động cực nhọc. Ông Phạm Viết Bằng, Chủ tịch Công đoàn, Phó phòng Tổ chức nhân sự của Công ty cổ phần thực phẩm CJ Cầu Tre, nhận xét: “Anh Hiền là tấm gương sáng cho đồng nghiệp về sự đam mê sáng tạo. Khi công ty có máy móc, thiết bị cần sửa chữa đều tham khảo ý kiến của anh Hiền, của Phòng Kỹ thuật cơ điện để thực hiện những sáng kiến, đề tài kỹ thuật. Ngoài ra, anh còn là người truyền lửa, đưa ra ý kiến góp ý, hỗ trợ, để đồng nghiệp có thêm nhiều cải tiến kỹ thuật, lan tỏa thành phong trào trong công ty; chẳng hạn như các giải pháp tiết kiệm điện, cải tạo van chia hơi máy ép bánh hẹ, cải tạo hệ thống thông khí, cải tạo máy ép bao bì. Nhiều năm liền, anh Hiền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng là sự vinh danh xứng đáng đối với người kỹ sư trẻ luôn có những sáng kiến hữu ích, thiết thực vì doanh nghiệp, vì xã hội.