Luồng Định An tiếp tục tắc

Câu chuyện về luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đang trở nên nóng ở diễn đàn Quốc hội. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có văn bản báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội cung cấp thông tin về dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Theo đó, Bộ trưởng cho biết mục tiêu của dự án nhằm xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải 10.000 tấn đầy tải, tàu 20.000 tấn giảm tải, các tàu có thông số kỹ thuật phù hợp vào các cảng trên sông Hậu; đáp ứng thông qua lượng hàng hóa tổng hợp 21 - 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 đến 500.000 TEU/năm cho giai đoạn đến 2020; đồng thời, hình thành bể cảng tại khu vực cửa kênh Tắt (Trà Vinh) để phối hợp với dự án xây dựng cảng nhập than của Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh).

Có ý kiến đề xuất nên thực hiện nạo vét luồng Định An thay vì thực hiện dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu. Hàng chục năm qua, Bộ GTVT thực hiện, nạo vét quá 2 tháng, có lần chỉ 2 - 3 tuần đã bồi đắp trở lại. Thế nhưng, nhiều ý kiến của lãnh đạo địa phương ở ĐBSCL cho rằng, nên cùng lúc sử dụng hai dự án luồng sông Hậu (đang thi công) và nạo vét luồng Định An. Được biết, giữa tháng 9-2013 vừa qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã có buổi làm việc với Cần Thơ và các đơn vị chức năng về tình hình thực hiện nạo vét duy tu luồng hàng hải Định An.

Trong nhiều năm qua, tuyến luồng hàng hải Định An - Cần Thơ là “điểm nóng” và dư luận khá bức xúc về việc luồng luôn trong trạng thái “mắc cạn”. Trong đó, khu vực nạo vét khó khăn nhất chính là đoạn luồng ra cửa biển nơi ảnh hưởng trực tiếp mạnh nhất của điều kiện thủy văn như dòng chảy, chế độ thủy triều… Luồng Định An - Cần Thơ có điều kiện địa hình, khí hậu, thủy văn diễn biến hết sức phức tạp: Cửa sông đổ ra biển rộng, thường có dông bão, nhất là mùa mưa bão từ cuối tháng 5 đến hết tháng 12 hàng năm. Những thông tin này đã được đề cập gần như giống nhau hàng chục năm qua.

Theo ông Đỗ Hồng Thái, Cục phó Cục Hàng Hải, Cục Hàng hải đã có nhiều đổi mới trong lựa chọn đơn vị tư vấn, thiết kế, quản lý chặt chẽ hơn trong việc nạo vét duy tu luồng Định An. Song, tại cuộc họp này, các báo cáo của chủ đầu tư, đơn vị thi công nạo vét rối tung làm lãnh đạo TP Cần Thơ, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ đặt nhiều câu hỏi. “Thật khó hiểu chỉ sau 20 ngày nạo vét, mà luồng lại bị bồi lắng cao hơn cả năm 2012?”, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đặt câu hỏi. Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cho biết: Hiện nay độ sâu trên đoạn luồng nạo vét có nơi cạn thêm khoảng 0,4m (chưa đầy 1 tháng), độ sâu chỉ đạt từ 3,4m - 3,5m. Và lý giải, nguyên nhân có thể do đợt lũ cuối tháng 8 và ảnh hưởng của bão, các đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua dịch chuyển các cồn cạn, gây bồi đắp vào tuyến luồng đã nạo vét?

10 năm qua, đã có hàng chục cuộc khảo sát của cơ quan chức năng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học về luồng tàu. Sau đó công trình kênh tắt Quan Chánh Bố được khởi công xây dựng. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, công trình này gặp nhiều khó khăn. Ngay khi công trình này hoàn thành, luồng Định An vẫn cần thiết để các tỉnh ĐBSCL phục vụ cho tàu có tải trọng lớn ra vào để vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu.

Điều bức xúc nhất đối với những người am hiểu về quy trình nạo vét luồng Định An hiện nay là tại sao cũng một con tàu được sử dụng nạo vét rồi lại nhanh chóng lại bồi lắng, tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng các cơ quan chức năng không tìm ra giải pháp khả thi. Trong đó, tại sao không thay thế bằng con tàu có công suất nạo vét lớn hơn? Đằng sau chuyện này có gì khuất tất? Có lợi ích nhóm từ chuyện chỉ sử dụng những con tàu cũ nạo vét? Đây là điều cần làm sáng tỏ, nhằm tìm giải pháp khơi thông luồng Định An.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục