Luồng gió mới cho môi trường kinh doanh

Trước khi kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV khép lại, 3 đạo luật hết sức quan trọng về kinh doanh đã được Quốc hội thông qua. Đó là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). 

Nhìn nhận về các luật sửa đổi là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, giới quan sát cho rằng đây là những điều kiện ban đầu rất tốt để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư “cá mập” đang tính toán giải pháp “Trung Quốc +1” để chia sẻ rủi ro. Đơn cử, Luật Đầu tư đã cho phép Thủ tướng quyết định áp dụng thuế suất ưu đãi giảm không quá 50%, thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi không quá 1,5 lần so với thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi chung, được kéo dài thêm không quá 15 năm và không vượt quá thời hạn của dự án đầu tư. Thủ tướng có thẩm quyền quyết định áp dụng miễn thuế tối đa không quá 6 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 13 năm. 

Với những quy định này, luật đã tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng chủ động hơn nhiều trong đàm phán, thu hút đầu tư, nhất là đối với những tập đoàn đa quốc gia. Luật cũng đã bổ sung các nguyên tắc, điều kiện về ưu đãi (ưu đãi có thời hạn, ưu đãi dựa theo kết quả thực hiện) và cùng với đó là các quy định nhằm đơn giản hóa, tiết kiệm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng…

Nếu như các quy định trong Luật Đầu tư chủ yếu tạo ra sức hút để các nhà đầu tư ngoại chọn Việt Nam làm điểm đến, tạo điều kiện thuận lợi ban đầu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt nền móng ban đầu cho sản xuất - kinh doanh, thì các quy định trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ trong giai đoạn gia nhập thị trường, mà còn trong toàn bộ quá trình đầu tư, kinh doanh.

Đối với Luật PPP, việc thông qua luật này đã là cái kết có hậu cho 10 năm chờ đợi. Kể từ khi Việt Nam thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, trong tổng số 336 dự án PPP đã được ký kết, thực hiện thời gian qua trên toàn quốc, hầu như không có nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, Luật PPP được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông dòng vốn này - vốn luôn cần thiết để cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nay lại càng cần thiết hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp khiến nguồn lực trở nên eo hẹp và nhà đầu tư dè dặt hơn nhiều khi mở hầu bao. 

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, khi thiết kế các điều khoản của Luật PPP, ban soạn thảo đã quan tâm tới cả 3 yếu tố: chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước; đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; tiếp cận các thông lệ tốt của quốc tế. Qua quá trình thẩm tra, thảo luận và tiếp thu chỉnh lý ở Quốc hội, dự thảo ngày càng được hoàn thiện, được các nhà đầu tư đánh giá cao. Chẳng hạn, sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, luật vừa được thông qua đã quy định, cơ chế chia sẻ rủi ro được thực hiện khi biên độ tăng/giảm doanh thu ở mức 25% và tỷ lệ chia sẻ giữa Nhà nước và nhà đầu tư là 50:50. Về nội dung này, tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội trước khi luật này được thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, tỷ lệ 50:50 “thể hiện đúng bản chất chia sẻ rủi ro, bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa Nhà nước và tư nhân cũng như tạo sự minh bạch, rõ ràng hơn ngay từ ban đầu so với trường hợp thực hiện đàm phán như quy định trước đây”. 

Một nội dung khác cũng đã được Quốc hội cân nhắc rất kỹ trước khi đi đến thống nhất là việc Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia dự án PPP; kiểm toán khi thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu; kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước. 

Nội dung này được cộng đồng nhà đầu tư tư nhân, bao gồm cả nhà đầu tư tư nhân nước ngoài, đánh giá cao vì bảo vệ được lợi ích của tất cả các bên: nhà đầu tư - nhà nước - người thụ hưởng công trình, vừa tránh cho nhà đầu tư những phiền phức không cần thiết, mà lại vẫn đảm bảo được hiệu quả và tính minh bạch trong phần đầu tư của Nhà nước. 

Tất nhiên, còn rất nhiều việc khác đang được Chính phủ gấp rút triển khai để “đón đại bàng”. Chẳng hạn, mới đây, Thủ tướng đã chính thức ra quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài mà Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Đây là một động thái cho thấy quyết tâm thực hiện những giải pháp cấp bách, quan trọng để đón làn sóng đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển. 

Tin cùng chuyên mục