Luồng không khí làm ăn hối hả đang tràn vào Việt Nam

Luồng không khí làm ăn hối hả đang tràn vào Việt Nam

Cuối năm 2005, Việt Nam có thể gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Kèm theo đó sẽ là luồng không khí làm ăn mới, khẩn trương, hối hả, năng động hơn. Có thể từ khi đó, ngay cả người nông dân cũng sẽ quen dần với việc giao tiếp với thương gia nước ngoài, sử dụng điện thoại di động và chào hàng trên Internet để đối phó với cuộc cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà. Trò chuyện với SGGP vào những ngày đầu năm 2005, PGS.TSKH Võ Đại Lược, Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đã vẽ ra bức tranh như vậy khi Việt Nam gia nhập WTO.

  • Sẽ có rất nhiều tiếng kêu

- Chúng ta đã có thời gian khá dài chuẩn bị cho vận hội khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, có thể hình dung rằng không ít doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải giải thể...

Luồng không khí làm ăn hối hả đang tràn vào Việt Nam ảnh 1

Mercedes Benz là một trong những đơn vị đầu tư nước ngoài có hiệu quả tại Việt Nam.
Ảnh: THÀNH TÂM

- Nói chính xác là sẽ có nhiều tiếng kêu cất lên từ các doanh nghiệp trong nước. Kêu nhiều nhất có lẽ là khối doanh nghiệp độc quyền và hướng nội. Các dịch vụ trong lĩnh vực ngân hàng, bưu chính- viễn thông, du lịch, vận tải biển, tư vấn, giáo dục, y tế... hầu như còn mở cửa rất hạn chế.

Dịch vụ ngân hàng của chúng ta còn kém phát triển, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp vốn đầu tư cho phát triển, nhất là đối với khu vực tư nhân. Tổng Công ty Bưu chính- Viễn thông VN thuộc loại doanh nghiệp mạnh nhất của ta hiện nay nhưng cũng còn yếu và thiếu nhiều dịch vụ so với các nước trong WTO.

- Nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng họ cần thêm thời gian...

- Nếu ta cứ chờ doanh nghiệp lớn mạnh lên thì đợi đến bao giờ? Trên thực tế càng bảo hộ, càng đóng cửa, các doanh nghiệp dịch vụ càng không chịu đổi mới vươn lên. Cho nên, vào WTO sẽ có rất nhiều tiếng kêu. Kêu ở những doanh nghiệp bị cạnh tranh dữ dội quá. Ngay cả những lĩnh vực dịch vụ mà ta chưa có hoặc mới manh nha, như tư vấn công nghệ hiện đại, tư vấn luật pháp quốc tế hay hàng loạt những dịch vụ khác mà ta chưa có cũng bị kêu vì doanh nghiệp nước ngoài sẽ chiếm lĩnh.

Có doanh nghiệp sẽ phải giải thể, nhưng không nhiều. Tôi cho rằng, họ chỉ mất đi cách quản lý cũ, tư duy cũ, công nghệ lạc hậu, chứ sẽ không mất đi công ty vì họ sẽ chuyển hướng kinh doanh. Không có ai bị bóp chết ở đây. Bởi càng hội nhập, càng mở ra nhiều cơ hội làm ăn mới. Chúng ta sẽ chết vì không mở cửa chứ không chết vì mở cửa. Và, cuối cùng ta vẫn phải mở cửa, thay vì mở cửa hạn chế hoặc thậm chí không mở cửa như thời gian qua. Bởi có cạnh tranh mới lớn mạnh được. Cạnh tranh là động lực lớn nhất của phát triển.

  • Lợi là chính, nhất là người dân

- Song hàng hóa Việt Nam (vốn là chủ lực trong xuất khẩu của ta) cũng cạnh tranh yếu so với Trung Quốc. Hàng Trung Quốc sẽ tràn vào thị trường Việt Nam mà không bị xem là nhập lậu nữa, thưa ông?

- Đúng là thời gian đầu hàng Trung Quốc sẽ gia tăng xâm nhập Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta nhớ lại rằng, hàng Trung Quốc đã tràn vào ta như cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, sẽ thấy rằng bóng đèn, phích nước Rạng Đông đã đánh bật sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Bia Hà Nội đánh bật bia Vạn Lực. Đúng là nội lực của ta yếu, doanh nghiệp của chúng ta như vẫn đang lười nhác ngủ say trên sân nhà.

Nhưng, nên nhớ người Việt Nam rất thông minh, năng động, khi cạnh tranh, bị dồn vào chân tường thì sức phản kháng sẽ trỗi dậy. Vào WTO, kim ngạch XNK của ta sẽ tăng cao và cân bằng hơn. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng cao, đầu tư nước ngoài cũng sẽ tăng. Lao động sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm mới. Lợi tổng thể vẫn thuộc về ta.

- Dịch vụ của ta kém phát triển, nhất là trong phân phối, nên nhiều ý kiến nhận định là ta MẤT nhiều hơn ĐƯỢC. Ông nghĩ sao?

- Xét một cách tương đối trên giác độ kinh tế, ta không có gì để mất. Hay chính xác hơn là gia nhập WTO sẽ khiến lợi ích của một nhóm đối tượng đang được hưởng bảo hộ bị mất đi. Chính những nước phát triển, đang sở hữu các công nghệ có thị trường rộng lớn, vốn lớn… mới lo bị mất. Họ sẽ mang công nghệ mới, phương thức quản lý, vốn kinh doanh vào Việt Nam. Dân ta sẽ giao tiếp, làm ăn với những doanh nghiệp và doanh nhân nước ngoài, nhiều kinh nghiệm sẽ học được trong cách làm ăn, sẽ giàu lên.

Ở Trung Quốc, sau 3 năm gia nhập WTO, các nhà bán lẻ nước này đang than vãn về việc họ bị các tập đoàn bán lẻ nước ngoài chiếm lĩnh mất thị trường. Song, tôi không cho là vậy. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không cạnh tranh với ta trên vỉa hè, trong các chợ hay những đại lý, siêu thị loại nhỏ hiện nay. Họ chỉ xây dựng những trung tâm phân phối quy mô lớn, hiện đại, mà ta chưa có điều kiện về vốn, quản lý để đầu tư. Hệ thống siêu thị Metro ở Việt Nam là một ví dụ.

Phần lớn hàng hóa họ bán ra đều sản xuất tại Việt Nam. Họ trực tiếp đặt hàng, ký hợp đồng với doanh nghiệpï, nông dân cung cấp hàng hoá cho họ nên giá rẻ hơn 20% so với giá ngoài thị trường. Thậm chí, các chủ đại lý bán lẻ của ta đến đó mua hàng về bán kiếm lời. Một số hãng bán lẻ khác cũng đang đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam để bán trên thị trường thế giới. Cung cầu khai thông, kích thích sản xuất. Như vậy, là lợi hay thiệt?

  • Dùng doanh nghiệp FDI để “đấu” với nước ngoài

- Nói như vậy, nguồn vốn, công nghệ, phương cách quản lý của nước ngoài sẽ làm cho sức cạnh tranh của ta mạnh lên?

- Thực tế của các nước đang phát triển khi gia nhập WTO đã chứng minh điều đó. Chúng ta có cạnh tranh, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu được hay không là nhờ nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến của ta hiện nay là do khối doanh nghiệp FDI sản xuất. Chính các doanh nghiệp này sẽ là đối thủ nặng ký để cạnh tranh với những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, kể cả với doanh nghiệp Trung Quốc trên thị trường Việt Nam.

Những sản phẩm công nghiệp chủ lực của Việt Nam hiện nay như dầu khí, điện tử, xe máy, ô tô... đều đi lên từ kinh nghiệm, công nghệ và một phần vốn của doanh nghiệp FDI. Do vậy, sức cạnh tranh của ta sẽ tỷ lệ thuận với dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Càng thu hút được nhiều nguồn vốn này, ta càng mạnh.

Tôi cho rằng năm nay ta thu hút được 4 tỷ USD vốn FDI cũng là do nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy chính sách của ta thông thoáng, môi trường kinh doanh thuận lợi. Họ đầu tư vào Việt Nam để đón WTO. Thực tế Trung Quốc cho thấy, khi nước này gia nhập WTO, các công ty nước ngoài tăng đầu tư vào Trung Quốc, xuất khẩu ra nước ngoài cũng tăng đột biến. Sau 3 năm gia nhập WTO, Trung Quốc đã tăng kim ngạch xuất nhập khẩu lên gấp đôi.

- Theo ông, làm gì để ta đón WTO theo hướng có lợi nhất?

- Nguyên tắc của WTO là cân bằng XNK và không được phân biệt giữa các công ty trong và ngoài nước. Ta phải nhận thức rằng: phải mở cửa của mình thì thiên hạ mới mở cửa thị trường của họ. Cũng như khi chúng ta có chiếc bánh ngon, phải chia sẻ cùng mọi người thì họ mới mời lại ta. Đấy là mới là cách ứng xử thông minh trong thời hội nhập. Bài học này ta có thể áp dụng trong việc đàm phán gia nhập WTO.

Gia nhập WTO, Việt Nam phải đối diện và giải quyết không ít vấn đề liên quan đến cả nhận thức và chính sách. Thách thức lớn nhất đang thuộc về phía Chính phủ. Nhiều chính sách sẽ phải thay đổi theo hướng không phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp. Cần phải cho phép tư nhân trong nước được quyền kinh doanh các lĩnh vực dịch vụ để phá thế độc quyền dịch vụ của DNNN.

Quan trọng hơn là làm sao Nhà nước điều tiết được có hiệu quả nền kinh tế thị trường. Muốn vậy, Chính phủ phải có những đối sách, quyết sách đúng, điều hành linh hoạt, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng (như có lộ trình chuyển đổi tự do tiền đồng và tự do hóa tỷ giá…), tài chính, bảo đảm an sinh xã hội để hạn chế khoảng cách chênh lệch giàu nghèo sẽ tăng nhanh khi ta vào WTO.

Nhân đầu Xuân, xin nói thêm: Tôi đã cảm nhận thấy một luồng không khí làm ăn mới, năng động, hối hả đang tràn vào Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông.

NAM QUỐC 

 

Tin cùng chuyên mục