Lưu ý khi ký kết hợp đồng thương mại

Vài năm trước, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam lên tiếng cảnh báo về tình trạng đối tác “xù” đơn hàng, gây thiệt hại kinh tế cho DN. 
Câu chuyện này tiếp tục được nhắc lại khi các chiêu trò cũ vẫn còn đất sống. Điển hình như các đơn hàng xuất đi Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ… từng khiến DN lao đao. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xảy ra tranh chấp do sự lơ là, cả tin vào đối tác.
 
Các luật sư khuyến cáo, trước khi đặt bút ký vào giao kết hợp đồng, DN nên lưu ý tới khả năng xảy ra tranh chấp để chuẩn bị những tình huống đề phòng rủi ro cho phù hợp, nhất là các đơn hàng xuất - nhập khẩu. Chẳng hạn, đối với điều khoản giao hàng, trong lĩnh vực nông nghiệp, DN cần nắm được tính thời vụ của sản phẩm, cân nhắc thời gian, khả năng giao hàng (số lượng, chất lượng…). DN có thể tra cứu thông tin đối tác từ bạn hàng, người quen hoặc tham tán thương mại của Việt Nam ở từng quốc gia, vùng lãnh thổ… Về chất lượng sản phẩm, DN cần có những giao kết chi tiết, thỏa thuận tên cơ quan kiểm định chất lượng nếu phát sinh tranh chấp (nhiều trường hợp ký kết một đằng, giao một nẻo). Kế đến, giá cả là vấn đề đáng quan tâm. DN cần bám sát, theo dõi thường xuyên giá cả diễn biến trên thị trường để có thể điều đình mức giá phù hợp, tránh tình trạng ký hợp đồng giá thấp nhưng khi thị trường hút hàng, “sốt” giá thì đơn hàng cũng lặn mất tăm. Lúc này, người bán sẽ xem xét để… “xù” đơn hàng, không bàn giao số hàng đã ký kết trước đó. Ngoài ra, cũng từng có trường hợp DN nhận không đúng đơn hàng hoặc nhận đúng lô hàng nhưng sản phẩm bên trong container bị rút ruột… Thêm nữa, một số yêu cầu về “bồi thường thiệt hại” cũng cần đưa vào hợp đồng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên.

Tin cùng chuyên mục