Nhiều năm rồi, tôi ôm ấp niềm khao khát được viết về má, má Sáu Hòa, bà má Thành đoàn. Nhưng những trang bản thảo đều được xếp lại hết ngày 8-3 này đến 20-10 khác… Cho đến hôm nay, trong buổi họp đồng hương Gò Công, tôi mới hay tin má vừa được phong Anh hùng.
Má Sáu tên thật là Nguyễn Thị Tư, tức Tư Hạnh, dân gốc Bình Ân (Gò Công Đông). Lúc chồng (đồng chí Trương Văn Đẩu) tập kết, má mới 29 tuổi, đang mang thai Út Hiền. Từ 1955, một nách 5 con nhỏ và một đứa vừa sanh, má Sáu bán tiệm tạp hóa rồi mua chiếc máy may, tối tối may mướn cho bà con chòm xóm Gò Tre. Má là người khéo tay, má hay làm bánh, kẹo, nhất là kẹo chuối, để bán trước nhà … và cũng để tụ tập chị em, nuôi giấu “mấy anh đàng mình”. Sau một vụ nuôi giấu cán bộ bị bể, má phải lên Sài Gòn. Từ đó Tư Hạnh thành ra Nguyễn Thị Hòa, Sáu Hòa.
Suốt hơn 20 năm giữa Sài Gòn, người phụ nữ một mình nuôi con đâu có dễ sống. Ấn tượng trong tôi về má Sáu là những năm sau 1970, có lúc cả gia đình má Sáu đều ở trong tù, trừ Út Hiền, trong đó có cả án tù Côn Đảo, án tù tử hình. Điều này, bây giờ nói ra nhẹ nhàng, nhưng trong những đêm dài tăm tối ấy là bão tố. Vậy mà má vẫn vững vàng.
“Chuyện thần kỳ”, những chiến công mà má Sáu làm nên là từ các giỏ cóc, ổi, bao than, bao gạo, chậu kiểng. Từ đi buôn chuyến đến đi nấu đám cưới, từ vai chị em bạn dì, chị em kết nghĩa đến mẹ chồng - nàng dâu… má Sáu và các cộng sự đã vận chuyển, cất giấu không biết bao nhiêu lựu đạn, súng, chất nổ để cánh Thành đoàn làm vang động xuân Mậu Thân ở Sài Gòn.
Du khách sau chiến tranh, thăm Bảo tàng TPHCM, đến phòng trưng bày hiện vật, nhìn chiếc xe Lambro 550 số EG 2767 do tài xế Nguyễn Văn Sáu lái, đồng chí Nguyễn Thị Hòa làm tổ trưởng, đã trực tiếp vận chuyển thuốc nổ TNT, súng AK47, dây cháy chậm, kíp nổ… từ cầu Bình Điền, chợ Bà Hom (Bình Chánh), chợ Rạch Kiến (Long An), Suối Sâu (Tây Ninh) vào Sài Gòn. Số súng đạn được giấu trong các chậu mai, trong băng ghế 2 đáy của xe lam, trong ruột trái dừa…
Chuyện về người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Sáu Hòa là câu chuyện dài. Từ nền giáo dục nêu gương, làm nhiều hơn nói, má Sáu đã giác ngộ nhiều người, trong đó có tôi, lớn thành người. Các con trai gái, dâu rể trong gia đình má Sáu nay tuy đã thành danh, mà sự nhân ái, giản dị, khiêm tốn, sống chan hòa tình nghĩa có trước có sau, vẫn giữ được cái nếp nhà mà má Sáu khéo làm móng, làm nền chắc chắn.
Viết bài này, tôi muốn như đứa con thắp nén hương lòng trong ngày giỗ má vào tháng ba này…
TRẦN ANH TÀI