Hỏi: Một phim tư liệu chiếu trên truyền hình giải thích MAAG là Phái bộ viện trợ kinh tế của Mỹ ở Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến trước đây. Có đúng không?
Phạm Ngọc Sơn (Đường Tăng Bạt Hổ, Đà Lạt)
Ngày 27–6–1950 (tức hai ngày sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ), tổng thống Mỹ Harry S. Truman cho lập Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Mỹ ở Đông Dương (Military Assistance Advisory Group in Indochina, viết tắt MAAG – Indochina) có nhiệm vụ theo dõi chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, đề nghị lên chính phủ Mỹ kế hoạch viện trợ quân sự cho quân viễn chinh Pháp và các đạo quân bản xứ ở ba nước Đông Dương, hướng dẫn các đạo quân này sử dụng các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh do Mỹ cung cấp.
Sau khi Pháp thua, ký Hiệp định Genève và rút dần quân về nước, ngày 1-11-1955, Mỹ lập MAAG – Việt Nam (thay cho MAAG – Đông Dương) để tổ chức lại Quân đội quốc gia Việt Nam (do Pháp lập ra ngày 11-5-1950) thành Quân đội Việt Nam cộng hòa, huấn luyện và trang bị vũ khí cho đạo quân này chống lại nhân dân miền Nam.
Khi quân Mỹ ở miền Nam tăng dần số lượng và ngày càng tham gia tác chiến một cách trực tiếp hơn, tổng thống Mỹ John F. Kennedy cho lập Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam (Military Assistance Command – Vietnam, viết tắt MACV) vào ngày 8-2-1962. MAAG tồn tại thêm hai năm nữa, đến 15-5-1964 thì bị giải thể và nhập vào MACV.
Ngày 28-1-1973 (tức một ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết), MACV bị giải tán vì toàn bộ quân xâm lược Mỹ phải rút về nước. Mỹ lập Phòng tùy viên quân sự (Defense Attaché Office, viết tắt DAO) thuộc Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn để tiếp tục nắm tình hình quân sự ở miền Nam, cung cấp viện trợ cho quân đội của Nguyễn Văn Thiệu phá hoại Hiệp định Paris. Ngày 30-4-1975, những nhân viên cuối cùng của DAO lên máy bay rời Sài Gòn.
Hoàng Anh