Ngày ngày họ âm thầm tách cuộc sống xô bồ để lủi thủi trong đại ngàn, lênh đênh giữa trùng khơi. Họ lấy một nhành lan, bắt một con cá để đo, vẽ, chụp ảnh. Chính họ giúp ta hân hoan vì sự đa dạng sinh học của nước nhà hay đau xót trước sự tuyệt chủng của những loài động vật, thực vật.
Âm thầm
21 giờ, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa tỉnh Đồng Nai xào xạc gió, rả rích tiếng côn trùng, tiếng tắc kè tắc lưỡi, tiếng của những loài chim đi kiếm ăn đêm… Đèn pin trên trán, ba lô sau lưng, máy ảnh trước ngực, kẹp trên tay phải, hộp đựng mẫu nơi tay trái, chúng tôi vào rừng.
Giữ im lặng, mắt quét kỹ phía trước, trên đầu, hai bên, dưới chân, tay hạn chế vung vẩy, chân bước ngắn, thở đều, tôi lầm lũi theo chân anh Phùng Mỹ Trung, nhà nghiên cứu đa dạng sinh học. Vừa dứt một cơn mưa nên những lối mòn đầy lá mục hăng mùi mốc, trơn như mỡ, lênh láng nước. Chúng tôi cứ bì bõm lội, vén cành, gạt lá mà bước, mà kiếm tìm, căng tai nghe ngóng.
Đi chừng 15 phút, anh Trung dừng lại trước một cây dầu rồi khẽ gọi tôi. “Thằn lằn ngón Cát Tiên Cyrtodactylus cattienensis đấy. Loài này thuộc họ tắc kè Gekkonidae, bộ có vảy Squama. Chiều dài thân tối đa 69mm; có một vạch đen ở gáy, kéo dài tới mép sau ổ mắt. Loài bò sát ăn đêm này thường sống trong các gốc cây lớn hay thảm mục thực vật. Thức ăn là các loài côn trùng nhỏ. Vào đầu mùa mưa, cá thể cái thường đẻ từ hai đến bốn trứng vào các hốc cây, gốc cây. Loài này phân bố ở Vườn quốc gia Cát Tiên, Mã Đà, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), núi Dinh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Bình Phước)...”, anh thuyết minh. Cá thể đực này thật dạn dĩ. Bất luận chúng tôi phá rối bằng ánh đèn pin sáng trưng, đèn máy ảnh chớp lia lịa, nó vẫn giương mắt nhìn, ở yên một chỗ. 10 phút sau, khi đã chụp ảnh và ghi chép tỉ mỉ, chúng tôi trả lại sự bình yên cho nó tiếp tục kiếm ăn. Đến một khoảng đất khá trống trải ngay bên lối đi, anh Trung bảo tôi dừng lại để kể một trong những mối quan hệ cộng sinh rõ nét nhất giữa thực vật và côn trùng trong rừng mưa nhiệt đới Việt Nam. Đó là loài cây ổ kiến, tên khoa học là Hydnophytum formicarum.
Ngay trên cành cây bí kỳ nam, tôi phát hiện ra một cá thể gà nước họng nâu Rallina fasciata đang đậu và ngủ ngon lành. Còn anh Trung thì chặc lưỡi mãi vì để sổng một cá thể rắn hoa cỏ nhỏ - Rhabdophis subminiatus. Cá thể đực đó đầu màu ô liu và thân hình khá đẹp, cổ màu đỏ nhạt, thân màu xanh ô liu, bụng màu xám. Anh Trung muốn có một tiêu bản nên gọi tôi trợ giúp. Nhưng tôi vốn nhắc đến rắn đã lạnh sống lưng nên vừa vạch đám lá mục vừa run nên cuối cùng lóng ngóng để nó chuồn sang phía tôi chạy mất. Anh Trung thì tiếc nhưng tôi lại thở phào. Hỏi nó có độc không, anh tỉnh bơ bảo: “Độc nhưng chưa thấy ai chết vì bị nó cắn. Cách đây mấy năm, tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng), tôi cũng bị một cá thể đực của loài này bổ một cú vào tay khi đang say sưa chụp ảnh nó…”.
Lại đi, dừng, chụp ảnh, ghi chép thêm được các loài ếch lá, bướm, bọ que, rắn xanh, ốc, sâu và chích bụi thì đôi chân tôi đã mỏi nhừ, người mệt lử, mồ hôi đầm đìa. Bất thần một cơn mưa ào ào đổ ập xuống. Lấy áo mưa quấn quanh mớ đồ nghề rồi chúng tôi cứ dầm mưa, vuốt mặt mà đi. Hai giờ, sau khi đã đi khoảng 15km, bắt được sáu mẫu: một cá thể rắn khuyết Lào Lycodon laoensis, một cá thể thằn lằn ngón Cyrtodactylus cattienensis, ba cá thể thằn lằn bóng Lygosoma bowringii, một cá thể ếch suối Odorana sp, chúng tôi trở về căn nhà nhỏ nơi bìa rừng.
Thay quần áo, đắp chăn nằm cho ấm người được một lúc, tôi đã thấy TS Mark Robbins gọi dậy đi tìm chim. Ông Mark Robbins là trưởng nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Tổng hợp Kansas, Mỹ và những người cộng sự: chị Sarah Roels, anh Steve Roels, anh Nate Rice, anh Erick A.Garcia -Trejo ăn dầm ở dề ở đây một tháng để điều tra khu hệ chim. Nghe ông bảo sẽ dẫn đến chỗ có chim hồng hoàng, tôi tung chăn vùng dậy. Ông Mark Robbins, anh Lê Mạnh Hùng, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật Việt Nam và tôi đi sang hướng Đông để thu âm và chụp ảnh chim. Lần đầu tiên sang Việt Nam, lại đến đúng khu hệ chim có giá trị đa dạng cao nên ông Mark Robbins thích lắm. Ngày nào ông cũng dậy từ ba giờ, đi bộ trung bình 12km để nghe tiếng chim, xem chim. Chúng tôi sướng tê người khi dụ ra, chụp ảnh, thu được tiếng của cả cá thể đực và cái chim chà vá chân nâu.
Luồn rừng, lặn biển
Tài nguyên đa dạng sinh học của nước ta rất phong phú. Hệ thực vật có khoảng 14.000 loài thực vật bậc cao có mạch; đã xác định được khoảng 7.000 loài thực vật bậc cao, 800 loài rêu, 600 loài nấm, 600 loài rong biển. Trong đó có 1.200 loài thực vật đặc hữu, hơn 2.300 loài thực vật đã được sử dụng làm lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, tinh dầu, vật liệu trong xây dựng. Tính đến nay đã xác định được ở nước ta có 275 loài thú, 1.009 loài và phân loài chim, 349 loài bò sát và lưỡng cư, 527 loài cá nước ngọt, khoảng 2.038 loài cá biển, 12.000 loài côn trùng, 1.600 loài động vật giáp xác, 350 loài động vật da gai, 700 loài giun nhiều tơ, 2.500 loài động vật thân mềm, 350 loài san hô được biết tên…
Để có được những con số đó, ngày ngày, các nhà khoa học vẫn âm thầm luồn rừng, lặn biển để quan sát, định dạng loài. Cái nghiệp trót mang ấy để lại cho họ biết bao kỷ niệm vui, buồn.
Đêm tối mịt mùng, mưa gió và lạnh buốt, ở độ cao 2.900m gần đỉnh Fansipan (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), hai con người lặng lẽ, mò mẫm, tìm kiếm trong đêm tối mịt mùng. Dưới chân là những vách đá dựng đứng chỉ cần sẩy chân thì sẽ không còn cơ hội sống sót. Chỉ có lòng đam mê và một niềm hy vọng mãnh liệt mới vượt qua nỗi sợ hãi. Kết quả là một loài cóc mới được phát hiện ở đây đang được nghiên cứu và sẽ công bố trong tương lai. “Đó là niềm phấn khích tột cùng của tôi trong gần hai mươi năm nghiên cứu đa dạng sinh học”, anh Phùng Mỹ Trung hào hứng.
Nghiên cứu phân loại loài là đam mê ngấm sâu vào từng thớ thịt và khối óc mắc nợ với rừng xanh nên anh Trung tâm niệm phải làm thật nhiều điều để đưa thiên nhiên hoang dã đến mọi người nhằm nâng cao ý thức của họ trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Thế nên, anh đã lập trang web Sinh vật rừng Việt Nam (www.vncreatures.net). Trang web định dạng, mô tả hơn 2.000 loài động vật và thực vật thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau để phục vụ mọi người tra cứu. Ngoài ra, anh còn làm phần mềm SVRMobile chạy trên điện thoại di động giúp tra cứu các loài sinh vật rừng Việt Nam và tìm kiếm đường về khi bị lạc phương hướng trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.
Theo chân các nhà khoa học đi tìm loài mới, tôi thấy ai cũng tâm tư vì thu nhập thấp nên khó toàn tâm toàn ý cho công việc. Họ cũng trăn trở vì ở nước ta, khoa học còn đang ở dạng hàn lâm, chưa phục vụ công chúng nên khó được công chúng đón nhận và ủng hộ về vật chất, tinh thần. Cơ sở vật chất thiếu thốn, không có phòng mẫu chuẩn để so sánh, không có các trung tâm, bảo tàng lớn để nghiên cứu… Trong khi đó, làm việc nhiều với các nhà khoa học nước ngoài, anh Trung nhận xét: “Họ làm việc chuyên nghiệp, nhiệt tình và hết mình. Họ làm việc theo nhóm từ ba người đến năm người với chuyên môn hẹp mà sâu, mỗi người chỉ tập trung vào chuyên môn của họ và hợp tác với nhau rất tốt thông qua trưởng nhóm. Khoa học cơ bản của họ rất tốt và nắm vững kiến thức chuyên ngành. Thiết bị công nghệ cao giúp ích rất nhiều trong tác nghiệp và thu bắt mẫu (mỗi cây đèn, vợt, cây bắt rắn… trị giá vài trăm USD/cái với những tính năng tuyệt vời). Họ thân thiện, hợp tác và luôn cầu thị”.
| |
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG