Người nghèo không bị bỏ rơi, sẽ hòa nhịp, đi lên cùng cộng đồng; nhiều phận nghèo không đất, mưu sinh lây lất đã có mái nhà sum vầy đón tết. Chuyện cổ tích đậm đà nhân văn đó xuất hiện ở quận Bình Thủy (Cần Thơ).
Một góc khu nhà 16 căn
Nhà mới đón xuân
“Tôi có 9 đứa con lận, đứa nào cũng nghèo tơi tả chẳng phụ giúp được gì. Căn nhà mới này là của chính quyền cho vợ chồng thằng con út”, dì Tư Đường, 76 tuổi, đang ôm đứa cháu nội ngồi trước hiên nhà cởi mở tâm sự. Căn nhà tường gạch, mái tôn, rộng hơn 20m2; có phòng nghỉ, nơi tiếp khách, bếp, nhà vệ sinh, trông khá khang trang, sạch sẽ.
Dì Tư kể, trước gia đình ở trong căn chòi giáp bờ mương mãi tận phường Trà Nóc (Bình Thủy, Cần Thơ). “Nhớ lại còn sợ. Nắng đã vất vả, còn khi mưa xuống nước ngập, gió siết vô tận bên trong; đêm nghe đất lở hãi hùng, chịu hết xiết nhưng không biết tính sao”. Con trai út tên Nguyễn Văn Thư hơn 30 tuổi hàng ngày đi bẻ dừa thuê, người vợ loanh quanh bán củ ấu, lại kèm 2 đứa con còn nhỏ. Phận nghèo không đất, một căn nhà nhỏ đủ che đã là giấc mơ quá xa vời.
Vậy mà giấc mơ đó thành hiện thực. Cán bộ phường đến tận cái chòi bà ở động viên, hướng dẫn thủ tục để đăng ký, bình xét trong khu vực rồi bốc thăm phân nhà. “Tết đầu tiên gia đình có mái nhà để sum vầy đó anh. Không có chính quyền hỗ trợ biết đến bao giờ…”, dì Tư móm mém cười.
16 hộ dân nghèo không đất có chung niềm vui đó. Bà con được ở trong hai khu nhà mới có khoảng sân rộng thoáng đãng. Gia đình ông Trần Văn Chính có 4 người thì 1 bán cá ở chợ, 1 làm thuê, 1 bệnh hiểm nghèo cùng cháu nhỏ đi học. Hộ ông Ngô Tiến Đạt cả 4 người đều đi làm mướn. Hộ bà Lê Thị Yên trên 70 tuổi mất sức lao động, hai con đều làm thuê cuốc mướn. Hay độc thân như ông Lư Văn Hai 84 tuổi bán xôi kiếm sống qua ngày... Ngày nhận nhà rất nhiều cơ quan ban ngành, tổ chức cùng các mạnh thường quân đến tặng thêm giường chiếu, gạo, mì, đường, bột ngọt, bếp gas… Rất nhiều cụ già neo đơn, bệnh tật cùng sắp nhỏ không còn chịu cảnh gió sương lúc xuân sang. Đó là điều kỳ diệu, là chuyện cổ tích của người nghèo.
“16 căn nhà này thuộc khu vực Bình Thường A của phường Long Tuyền. Mỗi căn chỉ riêng phần xây và kéo điện, nước vô tận nhà khoảng 43 triệu đồng (giá đất thị trường trên 10 triệu đồng/m2), Phó chủ tịch MTTQ quận Bình Thủy Nguyễn Văn Luông cho biết như vậy. Đêm về, “phố nhà nghèo” sáng rực ánh điện.
Điểm nhấn 10 năm
“Khu đất này cũng được dành để tiếp tục xây nhà cho đối tượng chính sách, người nghèo không đất”, ông Luông chỉ khu đất nằm ngay mặt tiền con đường mới mở chạy thẳng vào Khu di tích Vườn Mận (khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền). Nhìn vị thế khu đất “xen ngang” vào một số công trình mới thấy nỗ lực “kiếm đất cất nhà” cho người nghèo của chính quyền nơi đây.
“Người nghèo có đất muốn xây nhà đã khó vì phải vận động kinh phí. Không đất (muốn) có nhà thì phải lo cả hai, trong khi quỹ đất eo hẹp trước tốc độ đô thị hóa quá cao. Đó là thách thức với chính quyền”, ông Đường Hữu Kiệt, Chủ tịch MTTQ quận Bình Thủy, tâm sự.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ đồng chí bí thư quận ủy đến chủ tịch quận. Nhờ sự quyết liệt, kiên trì mà hai lô đất công (Bình Thường A và B) giáp ranh giữa hai quận Bình Thủy và Ninh Kiều được tìm ra. Lãnh đạo hai quận gặp nhau, xin ý kiến của trên. Chấp thuận rồi mới giao cho các ban ngành liên quan của quận triển khai. “Đầu năm 2014, quận đầu tư trên 3 tỷ đồng khai thác 3.780m2 của hai lô đất này để triển khai chương trình. Đồng thời 8 phường trong quận cũng tiến hành khảo sát, bình xét hộ nghèo công khai trong dân…”, ông Kiệt nói rõ quy trình.
Ngày 30-5-2014 khởi công khu đất 16 căn. Ngày 10-8 hoàn thành, bắt đầu giao cho các phường tổ chức đưa dân về ở. Không chỉ lo “an cư”, lãnh đạo quận còn chỉ đạo hoàn chỉnh các thủ tục nhập, chuyển hộ khẩu, làm giấy khai sinh, chuyển trường cho trẻ nhập học, hỗ trợ vật dụng sinh hoạt…và phối hợp với Hợp tác xã rau an toàn và Công ty may Việt Thành tiếp nhận hết số lao động trong độ tuổi để tạo công ăn việc làm, giúp bà con thoát nghèo bền vững.
“Đó là điểm nhấn kỷ niệm 10 năm thành lập quận Bình Thủy”, Bí thư Quận ủy Lê Hoàng Nam trả lời ngắn gọn. Một điểm nhấn đầy trách nhiệm, đậm tính nhân văn; thiết thực, thực sự vì dân, cho dân. Người nghèo không bị bỏ rơi, sẽ hòa nhịp, đi lên cùng cộng đồng, thông điệp đó thật đáng trân trọng.
“Đến thời điểm này, quận Bình Thủy đã giải quyết hết số hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết trong năm 2014”, Chủ tịch MTTQ quận Bình Thủy Đường Hữu Kiệt vui mừng thông báo. Gió xuân đang tràn về. Lại nhớ cái dáng gầy nhom và câu nói “Nếu không có mấy ổng…” của dì Tư Đường.
VŨ THỐNG NHẤT