Cùng với gốm Thổ Hà, Phù Lãng, Chu Đậu... nổi tiếng của khu vực phía Bắc, làng gốm Trù Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) là một trong những “cái nôi” về gốm nổi tiếng ở khu vực Bắc Trung bộ. Nhưng hiện nay, gốm Trù Sơn đang đứng trước nguy cơ mai một, vì không tìm được đầu ra, chưa được sự quan tâm và đầu tư thích đáng...
Ở Trù Sơn hiện nay, những phụ nữ tầm tuổi sinh khoảng 1954 - 1970 vừa là “bà chủ” vừa là thợ chính, còn những phụ nữ sinh trước 1954 do điều kiện và sức khỏe nên đi làm giúp và truyền lại nghề. Gọi là truyền nghề, nhưng thực chất là truyền cho những người đã... biết rồi, còn lứa tuổi sinh từ sau năm 1970 không mấy ai tập làm nghề này nữa, thế hệ trẻ sau này càng không có người.
Chúng tôi vào xóm 11, chỉ thấy chị Nguyễn Thị Hồng lủi thủi ngồi “vắt” đất nặn nồi một mình. để có được sản phẩm gốm, chồng chị Hồng phải sang xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) đào đất sét chở về, sau đó phải đạp đất cho nhuyễn, lọc sạn, cắt... “vắt” rồi nặn. Sau công đoạn nặn là đem phơi nắng cho khô và cuối cùng bỏ lò nung 4 - 5 giờ, tùy theo sản phẩm có được nắng hay không. Đó là chưa kể công đem đi “rao khắp nơi” bán hàng.
Chị Hồng tâm sự rằng làm nghề này “ức” nhất là phơi sản phẩm gặp trời mưa. Có bữa đang ăn cơm, mưa bất ngờ đổ xuống, chạy ra “cứu” được “hắn”, quay vô nhà thì bữa cơm đã bị chó, mèo “ăn tan”. Cực vậy, nhưng sản phẩm làm ra, cũng chỉ được từ 4.000 đồng/cái cho đến tầm 10.000 đồng, 25.000 đồng/cái... (bán tại chỗ). Nếu muốn bán được giá thì phải chở vào TP Vinh, Hà Tĩnh, ra Thanh Hóa, Ninh Bình...
Về Trù Sơn hôm nay, nếu không được biết trước sẽ khó có thể nhận ra nơi đây có một làng nghề làm đồ gốm. Các dấu tích của làng nghề đã bị che khuất bởi nhà cửa, tường rào... Anh Nguyễn Hữu Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Trù Sơn cho biết, trước đây, việc làm nghề gần như quanh năm, rộ lên vào 3 tháng áp tết. Nhưng sau này, do nhiều nguyên nhân, trong đó có cơ chế thị trường, nghề không còn hợp với lớp người trẻ, vốn ít, thu nhập từ nghề thấp... nên nghề chỉ còn chủ yếu ở xóm 10 và 11 với khoảng 40 hộ làm thường xuyên.
Theo đánh giá, trong khi gốm Hải Dương đa dạng, hình thức đẹp, được tráng men... thì gốm Trù Sơn còn đơn giản, làm bằng phương pháp thủ công, không tráng men, chỉ có màu đất. Nhưng có lẽ, chính vì “chỉ có màu đất” nên gốm Trù Sơn có nét đặc trưng riêng. Đất làm gốm được lấy chủ yếu từ xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc), hoặc xa hơn nữa tận xã Sơn Thành (huyện Yên Thành). Đây là loại đất sét mịn, khá “trong”, ít cợn... Thông thường, khi được đào sâu xuống tầm 1m thì mới có loại đất cần tìm, đó là đất sét trắng.
Nhưng điều đặc biệt là từ màu trắng này, sau khi được nung lên qua lửa đỏ thì sẽ cho ra màu đỏ - hồng như màu bình minh rất đẹp. “Người ta thì “cô” vàng, còn người quê tui “cô” mồ hôi” - anh Lịch ví von. Chính vì nghề “bạc” nên hiện không mấy ai muốn theo nghề. Nhiều nhiệm kỳ xã đã đưa vấn đề phát triển làng nghề vào nghị quyết, nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.
DUY CƯỜNG