Vòng tay nhân ái của xã hội
Vào trung tâm, các em được bồi dưỡng văn hóa cấp tiểu học, THCS như bên ngoài. Đối với những em có năng khiếu, trung tâm còn mở các lớp dạy hội họa, võ thuật hoặc xiếc. Bên cạnh đó, các em còn được học nghề và học năng khiếu vào buổi chiều. Cùng với giáo dục ngay tại chỗ, trung tâm còn gửi các em vào làm việc các công ty, xí nghiệp, hay học nghiệp vụ trong khách sạn… để sau này có thể tự thân lo cho cuộc sống của mình.
Cô Lê Thị Trang Đài, Phó Giám đốc trung tâm, chia sẻ về nhiệm vụ của đơn vị: “Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, dạy văn hóa, dạy nghề và giải quyết hồi gia cho trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa, có độ tuổi từ 8 đến 15, do các quận - huyện trong TP và Trung tâm Hỗ trợ xã hội chuyển giao. Từ 3 năm trở lại đây, bình quân hàng năm trung tâm tiếp nhận khoảng 100 - 120 trẻ. Trung tâm còn quản lý một mái ấm ở quận 8 (kinh phí do các tổ chức phi chính phủ tài trợ), có nhiệm vụ tiếp nhận những trẻ em chưa liên hệ được với gia đình và có quá trình phấn đấu tốt từ trung tâm chuyển ra. Tại đây, các em được tiếp tục học văn hóa, học nghề, rèn luyện các kỹ năng sống, giao tiếp với môi trường cộng đồng và khi có được một việc làm phù hợp, ổn định sẽ được hồi gia trưởng thành”.
Dạy nghề giúp các em hòa nhập cộng đồng
Em Nguyễn Anh Việt (13 tuổi, quê ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TPHCM) tâm sự: “Mẹ chết, từ nhỏ giờ không biết cha. Chị em gửi vô đây ăn học từ tháng 4-2016. Hiện em đang học lớp 7. Em mơ ước học ngoan, giỏi, để đến khi hết lớp 9, các thầy cô sẽ gửi cho học tiếp lên cấp 3. Ở trung tâm rất vui, chẳng khác nào ở gia đình mình. Ngày thứ bảy, chủ nhật, được các cô cho chơi thể thao, đá bóng, đánh cầu lông. Nơi đây thật sự trở thành mái nhà chung của các bạn có hoàn cảnh như em”.
Em Nguyễn Lê Bảo Bảo (15 tuổi, quê ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) vào sống ở trung tâm hơn 1,5 năm. Hiện em mới học lớp 5. Em cho biết: “Mẹ bỏ em lúc 6 tuổi, em sống lang thang rày đây mai đó, rồi được các cô chú đưa vào đây nuôi và cho ăn học. Các thầy cô dạy cho tụi em nhiều nghề lắm. Phần lớn bạn nam học nghề sửa xe; các bạn nữ học uốn tóc, may thời trang… Em cũng cố gắng học thêm văn hóa và học cho được một nghề để mai sau ra đời tự kiếm sống và lo cho gia đình riêng của mình nữa”.
Cô Châu Hà Lưu Thủy, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính trung tâm, cho biết toàn đơn vị có 64 cán bộ - viên chức, nuôi dạy 80 trẻ (13 nữ, 67 nam). Các em học văn hóa ngay trong khuôn viên trung tâm từ lớp 1 đến lớp 9. Các lớp học chịu sự quản lý về chuyên môn từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gia Định. Đội ngũ 12 giáo viên do Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gia Định ký hợp đồng và trả lương. Toàn bộ trẻ vào trung tâm đều được sắp xếp ra lớp học (trừ trẻ thiểu năng, chậm phát triển trí tuệ). Hiện trung tâm có 5 lớp dạy nghề: Uốn tóc, may gia dụng, sửa xe gắn máy, điện dân dụng, tin học văn phòng. Sau các khóa học, các em được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học hoặc sơ cấp nghề. Trong các lớp nghề, thu hút trẻ học đông nhất là lớp cắt tóc và may, vì dễ tiếp thu và dễ tìm được việc làm (trên 75% trẻ tham gia). Các em học lớp may, có thể tự may quần áo mặc nhà, đồng phục đi học văn hóa và học nghề. Lớp cắt tóc nam có thể tự cắt tóc cho các bạn trong trung tâm dưới sự hướng dẫn của giáo viên đứng lớp.
Đối với các lớp nghề đòi hỏi trình độ học vấn từ lớp 8 trở lên như điện, điện lạnh, sửa xe, tin học excel, trung tâm duy trì các lớp hướng nghiệp để dạy các em những nội dung cơ bản của nghề theo học, làm quen với những thao tác nghề đơn giản để có bước chuẩn bị tốt khi các em quyết tâm theo đuổi nghề mình yêu thích sau này. Kiến thức văn hóa và nghề nghiệp được trang bị từ trung tâm sẽ là hành trang tiếp sức các em vào đời.