Mang tết đến người thiếu may mắn

Ba ngày tết đã đi qua nhưng ấn tượng về một cái tết đầy yêu thương trong các gia đình nghèo được bạn đọc Báo SGGP và cộng đồng chia sẻ vẫn như còn ấm mãi trong nhiều gia đình. Trong số đó, có gia đình lâu lắm rồi mới có được không khí gia đình quây quần, sum họp bên mâm cơm ấm ngày tết. Niềm vui này giúp những mảnh đời thiếu may mắn thêm vững tin hơn vào cuộc sống.
Mang tết đến người thiếu may mắn

Ba ngày tết đã đi qua nhưng ấn tượng về một cái tết đầy yêu thương trong các gia đình nghèo được bạn đọc Báo SGGP và cộng đồng chia sẻ vẫn như còn ấm mãi trong nhiều gia đình. Trong số đó, có gia đình lâu lắm rồi mới có được không khí gia đình quây quần, sum họp bên mâm cơm ấm ngày tết. Niềm vui này giúp những mảnh đời thiếu may mắn thêm vững tin hơn vào cuộc sống.

  • Xuân đến với những người cơ nhỡ

Chúng tôi có dịp trở lại xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vào một buổi chiều muộn. Trên con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến căn nhà tình thương nằm sâu trong những cây tràm. Đó là nơi hai mẹ con cụ Hồ Thị Nhỏ sinh sống. Được biết, suốt mấy mươi năm nay, cụ Nhỏ và người con gái tật nguyền phải ở trong căn nhà không ánh sáng và sống bằng số tiền trợ cấp 180.000 đồng/tháng. Hiểu được điều đó, vào tháng 9-2012, các bạn trẻ đến từ Câu lạc bộ Nhân ái Quảng Nam đã tổ chức phát động quyên góp và mang ánh điện đến cho căn nhà cụ Nhỏ.

Theo đó là những phần quà bao gồm nhu yếu phẩm cần thiết cho hai mẹ con cụ. Kể từ ngày có những vòng tay nhân ái đến, căn nhà cụ Nhỏ trở nên ấm áp hơn rất nhiều. Hai mẹ con cụ được nhìn thấy ánh đèn điện, được ngồi trước quạt máy và xem ti vi, rồi còn có cả nước giếng dẫn vào vườn nhà. Tâm sự với chúng tôi, cụ Nhỏ nói: “Hồi trước không có điện, đêm nào cũng nhìn qua ánh đèn bên chuồng heo nhà người ta rồi thèm muốn nhà mình được sáng như rứa. Tui năm ni 80 tuổi, cũng sắp đi hết cả đời người, sống được với ánh điện như ri cũng vui lắm rồi”.

Còn người con gái tật nguyền của cụ Nhỏ, cô Trần Thị Sắt, 49 tuổi, ngậm ngùi bảo: “Nhiều đêm nằm gác tay lên trán cứ nghĩ, nếu không có xã hội chung tay giúp đỡ, chẳng biết bây chừ hai mẹ con sống ra sao. Tui thì tật nguyền, đi lại khó khăn, mẹ thì già yếu, đau ốm suốt… Tết này nhiều người đến thăm hai mẹ con tui, còn cho áo quần, quà bánh và tiền, chắc sẽ không phải lo đói, lo lạnh, lo tối tăm nữa rồi”.

Hai mẹ con cụ Hồ Thị Nhỏ đón một cái tết vui tươi, đầm ấm.

Hai mẹ con cụ Hồ Thị Nhỏ đón một cái tết vui tươi, đầm ấm.

Cũng trên địa bàn huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, những ngày tết trở nên vui tươi, ấm áp hơn trong lòng những cụ già neo đơn, không người thân chăm sóc. Gặp chúng tôi, cụ Nguyễn Thị Dần vội chào mời, cười nói rôm rả; cụ chỉ tay lên mái tôn trên trần nhà và khoe: “Từ ngày có mấy chú về thăm, rồi cho tiền lợp mái nên bà không phải lo mưa nắng tạt xuống nhà. Có người còn mang dầu, mắm và bánh đến thăm tết cho bà nữa. Tết này bà vui vì trong nhà cái gì cũng có”.

Trở ngược ra TP Đà Nẵng, chúng tôi tìm đến nơi mà nhóm từ thiện Bếp Lửa Hồng thường nấu bữa cơm 2.000 đồng phát cho những người lao động nghèo. Có dịp trò chuyện với họ, chúng tôi thêm hiểu hơn về niềm vui đến trong cái tết ấm áp. Một người tật nguyền bán vé số cho biết: “Nhờ có những suất cơm 2.000 đồng của nhóm từ thiện mà tôi tiết kiệm được tiền ăn uống, nhờ đó mà tết này tôi có thêm tiền sắm sửa cho gia đình mình”.

  • Niềm vui cho bệnh nhân nghèo

Xuân này, niềm vui không chỉ đến với những số phận nghèo khổ mà còn có những bệnh nhân vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần để được trở về với gia đình yêu thương. Anh Võ Tiến, 24 tuổi, trú tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - người từng có khuôn mặt biến dạng bởi hàng chục khối u - đã trở lại bình thường và sống khỏe mạnh sau khi thực hiện các ca phẫu thuật cắt u, nối lại dây thần kinh vùng mặt. Chia sẻ với chúng tôi, anh Tiến nói: “Hồi trước nhờ có Báo SGGP đăng bài kêu gọi bạn đọc giúp đỡ nên tôi mới có tiền đi bệnh viện chữa trị. Thời gian chữa bệnh của tôi kéo dài gần 1 năm. Sau một thời gian dài đấu tranh với bệnh tật ở bệnh viện, nay lại được về nhà sum vầy bên người thân rồi đón tết, tôi vui và hạnh phúc lắm”.

Như anh Tiến, em Trần Văn Ba, 18 tuổi, trú tại quận Thanh Khê Tây, TP Đà Nẵng từng bị bỏng điện cao thế với mức độ 80%, chữa trị hơn 1 năm ròng tại Bệnh viện Đà Nẵng rồi Viện Bỏng quốc gia tại Hà Nội, nay em đã trở về nhà sau một thời gian dài nằm bất động trên giường bệnh. Mẹ của em Ba - cô Phan Thị Nhung, tâm sự: “Nhờ có Báo SGGP, các mạnh thường quân giúp đỡ nên nhà tui mới có tiền đưa thằng bé đi chữa trị. Thuốc dành cho bệnh nhân bị bỏng rất nhiều tiền, phải có tiền mua uống thì da mới mau lành được. Tết này nhà tui mừng vì không phải trực nuôi con ở bệnh viện, mừng vì bệnh của thằng bé có bước tiến triển khá hơn”.

Cô Đỗ Thị Bé, 44 tuổi, bệnh nhân bị ung thư thực quản điều trị tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, cũng rất hồ hởi khi được xuất viện và trở về nhà đón tết với con trai của mình. Cô nói: “Bệnh tật có trong người thì âu cũng là do số phận, nhiều khi đau đớn quá nghĩ chết đi cho khỏe thân xác nhưng may nhờ có xã hội giúp đỡ, nhờ có đứa con trai hiếu thảo chăm sóc mà thấy thêm vững tin hơn vào cuộc sống”.

Những mảnh đời cơ nhỡ chịu nhiều số phận khác nhau, nhưng tất cả đều mang trong mình không ít nỗi bất hạnh tương tự. Tuy vậy, khi nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của xã hội, họ đã vươn lên và sống tốt hơn với chính niềm tin yêu và sự kỳ vọng của mình. Chắc chắn rằng tết này, ai cũng nhận được những niềm vui và hạnh phúc riêng, bởi lẽ lòng nhân ái đã tỏa khắp muôn nơi… 

VÕ THỊ NHƯ TRANG

Tin cùng chuyên mục