Vụ sát thủ 17 tuổi Lê Văn Luyện ra tay sát hại một lúc 3 mạng người không gớm tay để cướp tiệm vàng ở Bắc Giang còn chưa hết thời sự thì câu chuyện Nguyễn Mark Joseph, một Việt kiều Mỹ, lên kế hoạch tổ chức lực lượng thuê xe hơi, sử dụng “hàng nóng” đi cướp tiệm vàng ở Bình Thuận ngày 14-10 dẫn đến án mạng, tiếp tục khiến dư luận bàng hoàng.
Trong thời gian gần đây, mỗi sáng thức dậy, người ta lại thấy trên mặt báo hàng loạt tin tức về những vụ án cướp - giết - hiếp, gây rối trật tự công cộng… với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nếu trước đây, hoạt động tội phạm chủ yếu xảy ra ở các TP lớn, những khu vực dân cư phức tạp… thì giờ đây, chúng len lỏi cả vào những xóm làng, phố xá vốn yên bình. Tội phạm không chỉ có người trong nước mà cả người quốc tịch nước ngoài.
Điều dễ nhận thấy trước tiên là những hoạt động tội phạm gia tăng trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn. Nguyên nhân sâu xa hơn có mầm mống từ sự xuống cấp của đạo đức lối sống. Bên cạnh đó, do hoạt động kinh tế, hội nhập ngày càng mở rộng, dẫn đến không ít đối tượng tội phạm theo dòng di cư từ địa phương này qua địa phương khác, từ nước ngoài vào Việt Nam.
Một nguyên nhân trực tiếp mà mọi người dễ nhận thấy, nhất là ở TPHCM: bất ổn xã hội gia tăng có sự góp phần đáng kể của các đối tượng được thả về từ các trại cai nghiện ma túy, tệ nạn xã hội, nhà tù… khi phần lớn thủ phạm bắt được gần đây đều có tiền án tiền sự. Trong khi đó, việc quản lý địa bàn, sự phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, thậm chí cả các quy định pháp luật, biện pháp chế tài cũng còn bộc lộ nhiều bất cập trong tình hình mới.
Thực tế trên rõ ràng đang khiến cho lòng dân không yên. Trong nhiều cuộc họp về kinh tế - xã hội, HĐND, Quốc hội, tiếp xúc cử tri… thời gian qua, các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội liên tục được đặt ra, thậm chí nhiều lúc đặt ra gay gắt nhưng giải pháp căn cơ cho vấn đề dường như vẫn để ngỏ.
Mới đây nhất, vào ngày 17-10, trong cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, cử tri TPHCM tiếp tục yêu cầu Quốc hội và cơ quan chức năng phải có những giải pháp rốt ráo để chặn đứng ngay tình trạng gia tăng của hoạt động tội phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, bản thân những người trực tiếp có trách nhiệm cũng tỏ ra ái ngại khi đề cập đến vấn đề này.
Một vấn đề phức tạp luôn phải đòi hỏi một giải pháp hỗn hợp. Những hoạt động tội phạm, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội rất phức tạp, tính chất khó lường nên rõ ràng giải pháp cho vấn đề này cũng phải đa dạng, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm.
Quan trọng, trực tiếp nhất ngoài giải pháp nền tảng giáo dục đạo đức lối sống, vẫn là việc phải nắm bắt kịp thời, chặt chẽ để ngăn ngừa ngay mầm mống của hoạt động tội phạm đồng thời với những biện pháp chế tài đủ sức cảnh tỉnh hành vi phạm tội. Mà để làm được điều này, rõ ràng trước hết cần có thái độ trách nhiệm quyết liệt của cơ quan chức năng các cấp.
Trong tình hình hiện nay, có ý kiến cho rằng, song song với các giải pháp căn cơ, lâu dài, cần một giải pháp tình huống là tái lập lực lượng phản ứng nhanh chuyên trách như lực lượng săn bắt cướp trước đây, đồng thời thành lập một lực lượng liên ngành để nhanh chóng điều tra, đưa các đối tượng phạm tội này ra xét xử công khai thông qua các phiên tòa lưu động với những mức án nghiêm khắc. Tạo ra một phong trào như vậy, chắc chắn hoạt động tội phạm sẽ lắng xuống, từ đó làm tiền đề cho việc tiếp tục những giải pháp căn cơ hơn.
PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG