Mập mờ hàng Việt

Việc gắn mác “Made in Vietnam” cho hàng hóa không sản xuất trong nước tiếp tục rộ lên thời gian gần đây. Điển hình như vụ cơ quan chức năng phát hiện cả container hàng nhập chính ngạch từ nước ngoài gắn mác trong nước mới bị xử lý cách nay ít ngày. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cũng như sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thương trường. 
Hải quan TPHCM kiểm đếm lô hàng quần áo nhập khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam
Hải quan TPHCM kiểm đếm lô hàng quần áo nhập khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam

“Phù phép” hàng trôi nổi 

“Mua trái cây nhập khẩu đi chị. Hàng ngon lắm, nước nào cũng có”, tiếng rao mời của một tiểu thương bán hàng gần chợ Gò Vấp khiến nhiều người chú ý. Ghé mua thử, chị Lê Thúy Liễu (ngụ đường Cộng Hòa, quận Tân Bình) kể: “Lạ ở chỗ, trái thử thì ngon, giòn, ngọt, nhưng hàng mua về vừa chua vừa chát. Tôi mua 2kg nho Mỹ biếu mẹ chồng với giá 1,1 triệu đồng, nhưng cả nhà chỉ ăn chưa hết 1/3”. 

Cũng là đội lốt nhưng ngược lại với trái cây (gắn mác ngoại nhập cho trái cây nội), các loại quần áo ghi rõ “Made in Vietnam” được bày bán nhan nhản trên thị trường, mập mờ lừa khách về xuất xứ. Chẳng hạn, sản phẩm tại dãy cửa hàng thuê dưới tầng trệt của một siêu thị thuộc quận Tân Phú là ví dụ. Quần áo nguyên giá ghi rõ “Sản xuất tại Việt Nam”, dao động 200.000 - 300.000 đồng/chiếc, sau khi khuyến mãi đồng loạt chỉ còn 50.000 - 100.000/chiếc. Thế nhưng, khách nào tinh ý, chỉ cần truy tìm sau áo sẽ thấy rõ những dòng chữ nhỏ ghi chi chít tiếng nước ngoài. Qua tìm hiểu, nhân viên bán hàng thừa nhận toàn bộ sản phẩm được nhập từ các bạn hàng giáp ranh biên giới Việt Nam, sau đó đóng thùng, kèm theo nhãn mác tiếng Việt in sẵn. Hàng về nước dễ dàng được “phù phép” trở thành hàng nội địa.  

Vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát đi thông tin liên quan đến việc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất hàng đi các nước, hoặc lợi dụng xuất xứ của các nước nhập vào Việt Nam, nhằm hưởng ưu đãi thuế quan. Bước đầu, cơ quan chức năng đã xác định các doanh nghiệp vi phạm sử dụng hợp đồng mua bán ký khống, dùng hóa đơn giá trị gia tăng mua keo, bạch đàn, bột mì cho nhiều tờ khai quay vòng hóa đơn để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O)… 

Một số dẫn chứng nêu trên cho thấy, tình trạng mập mờ xuất xứ hàng hóa không phải câu chuyện mới trong bối cảnh nước ta đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Mặc dù Bộ Công thương cũng như các cơ quan ban ngành khác liên tục lên tiếng cảnh báo nhưng các tình trạng như kể trên vẫn xuất hiện. Đáng chú ý, một số ngành nghề có khả năng bị lợi dụng nhiều phải kể tới điện tử, da giày, gỗ…  Từ đó khiến các doanh nghiệp xuất khẩu (các ngành nghề dễ bị truy xuất xứ) có nguy cơ bị trừng phạt thương mại hoặc áp đặt hàng rào thuế quan phòng vệ thương mại. 

Cần luật hóa “Made in Vietnam” 

Trao đổi với báo chí, luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng đang có sự nhầm lẫn giữa 2 khái niệm “Sản xuất tại Việt Nam” (Made in Vietnam) và “Xuất xứ hàng hóa Việt Nam” (Origin of Vietnam). Bởi vì, 2 khái niệm trên thể hiện lần lượt hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và tiêu chuẩn của hàng hóa. Mặc dù khái niệm khác nhau nhưng có sự giao thoa, liên hệ chặt chẽ với nhau. Cụ thể, với “Xuất xứ hàng hóa Việt Nam” là khái niệm đã được luật hóa. Để được chứng nhận này thì phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và được các cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nếu đáp ứng điều kiện pháp luật cho phép. Còn “Sản xuất tại Việt Nam” vẫn được hiểu là một công đoạn sản xuất tại Việt Nam. 

Theo luật sư Châu Việt Bắc, khái niệm “Sản xuất tại Việt Nam” nên được luật hóa trong hệ thống các văn bản pháp luật; đồng thời cần được thu hẹp lại, tức là doanh nghiệp phải vượt qua được điều kiện sản xuất, gia công, chế biến cơ bản nhất thì mới được gọi là Made in Vietnam (song song với đủ điều kiện cần để có thể chứng nhận xuất xứ Việt Nam). Mặt khác, luật sư Châu Việt Bắc cũng chỉ ra rằng, hiện nay đang có sự hiểu nhầm về cách tính tỷ lệ nội địa hóa. Cụ thể, thay vì phải tính theo phương pháp giá trị thì lại được hiểu theo phương pháp số lượng. Chẳng hạn, một sản phẩm có 5 bộ phận để hoàn chỉnh, doanh nghiệp nhập khẩu về 4 bộ phận và chỉ có một bộ phận được sản xuất ở trong nước. Nếu nhìn vào tỷ lệ này thì đánh giá đây không phải là sản phẩm có xuất xứ Việt Nam, mà là của nước ngoài. Tuy nhiên, nếu theo phương pháp giá trị, một bộ phận được sản xuất ở trong nước lại có giá trị tối thiểu 30% giá trị sản phẩm thì theo quy định, sản phẩm này phải được công nhận là xuất xứ Việt Nam.

Như vậy, để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong giai đoạn hiện nay trước tình trạng mập mờ xuất xứ, rất cần “hàng rào” văn bản pháp luật chặt chẽ. Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành chức năng để chỉ ra các sai phạm, cảnh báo và phòng ngừa những rủi ro có thể gặp phải là một trong những khuyến cáo được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra.

Thông tin từ các chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều ngành hàng trong nước đang bị “soi” và nằm trong danh mục giám sát chặt của các nước vì họ lo ngại những vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Điều này gây tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung.

Tin cùng chuyên mục