“Mắt biển” ở làng đóng tàu Trung Kiên

700 năm tuổi nghề
“Mắt biển” ở làng đóng tàu Trung Kiên

Tôi đến làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên (xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) giữa thời điểm cơn bão số 2 đang đổ bộ vào đất liền. Câu chuyện thời sự của người dân làng nghề - làng biển này là về bão và đặc biệt về sự ngang ngược của Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Vì vậy, hơn ai hết, người làng Trung Kiên hiểu rằng, những con tàu mà họ đã, đang và sẽ đóng sẽ góp phần cùng ngư dân tạo nên những “mắt biển” để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Công việc đóng tàu của làng nghề Trung Kiên ngày nay đã được hỗ trợ máy móc hiện đại.

Công việc đóng tàu của làng nghề Trung Kiên ngày nay đã được hỗ trợ máy móc hiện đại.

700 năm tuổi nghề

Làng Trung Kiên lúc tờ mờ sáng. Tiếng đục đẽo, tiếng cưa, tiếng máy… vang động cả một góc lạch Lò. Ông Đặng Ngọc Mức dù đã 69 tuổi nhưng vẫn tham gia đóng tàu và truyền nghề cho con cháu. Ông cười hồn hậu: “Nghề đóng tàu ở đây đã có cả 700 năm tuổi rồi. Làng nghề được lập nên từ một ông quan, ông tổ nghề triều Lê, đến nay, đền thờ ông vẫn luôn được người dân thờ phụng, biết ơn”.

Ông Mức kể, tương truyền, một lần bị giặc truy đuổi vào cửa biển, ông quan này đã nghĩ cách cắt con thuyền ra làm đôi để ngụy trang, sau đó vượt vòng vây thoát hiểm. Vào thời chống Pháp, những người thợ của làng Trung Kiên đã tham gia làm cầu, làm phà. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển được hình thành. Trong những con tàu không số huyền thoại ấy, làng Trung Kiên đã góp công đóng 6 tàu, sửa chữa hàng chục lượt tàu…

Năm 2004, Hợp tác xã đóng tàu thuyền Trung Kiên được thành lập, hiện có 36 xã viên. Điểm đặc biệt, khi tham gia HTX thì chính xã viên là khách hàng của HTX. HTX đứng ra trợ giúp vay vốn, bao tiêu sản phẩm, mua vật tư… cho xã viên; còn xã viên tự thực hiện mô hình sản xuất của mình, nhưng trước khi đóng tàu sẽ đem ra HTX để cùng bàn bạc, góp ý làm sao cho việc đóng tàu hiệu quả nhất, tránh thua lỗ và không ngừng nâng cao uy tín và thương hiệu của làng nghề đóng tàu Trung Kiên.

Hiện làng nghề Trung Kiên có 300 lao động làm việc thường xuyên với mức thu nhập từ 150.000 đến 350.000 đồng/người/ngày công. Hàng trăm con tàu xuất xưởng từ Trung Kiên đã có mặt từ Quảng Ninh cho đến tận Kiên Giang. Mới đây nhất, Trung Kiên đã đóng thành công tàu công suất lớn với mã lực 1.000CV. Năm nay làng nghề này nhận đóng 85 tàu, thời điểm tháng 7 này đã hoàn thành được 66 chiếc.

Cùng ngư dân bám biển

Khi đề cập đến chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt vươn khơi bám biển của Trung ương, ông Nguyễn Gia In - Chủ nhiệm HTX Trung Kiên, rất phấn khởi. Tuy nhiên, ông cho biết, hiện đóng một tàu gỗ 400CV giá thành trên 4 tỷ đồng, còn tàu vỏ sắt khoảng trên 6 tỷ đồng. Riêng tàu sắt phải đóng loại có chiều dài tối thiểu 30,5m trở lên mới hoạt động tốt. Tàu sắt đóng theo công năng nào thì hoạt động theo công năng đó, trong khi tàu gỗ ngư dân có thể hoạt động đa năng, như từ lưới rê qua lưới vây… 

Theo ông Nguyễn Gia In, HTX Trung Kiên luôn mong muốn làng nghề “cùng ngư dân vươn khơi”, nhưng hiện làng nghề này vẫn đang gặp những khó khăn chưa “thoát” ra được. Cản ngại nhất với bà con xã viên là khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng; kế đến nguồn gỗ nội địa đã cạn kiệt nên phải mua tận bên Lào với giá thành cao; còn lạch Lò bị bồi lấp thường xuyên nhưng kinh phí nạo vét thì hạn chế; nguồn điện quá yếu vì chưa có trạm biến thế riêng…

Mặc dù gặp những khó khăn như vậy, nhưng các cơ sở đóng tàu ở Trung Kiên đã sẵn sàng đón nhận, thực hiện những con tàu mới. Dự kiến, theo kế hoạch, thời gian tới Nghệ An sẽ đóng 340 tàu, trong đó có 308 tàu gỗ và 32 tàu sắt. Hiện HTX Trung Kiên đã tập kết được 3.000 khối gỗ, đang chuẩn bị lấy thêm 1.000 khối nữa, cùng với đó là nhân lực với tay nghề cao của làng đã sẵn sàng cho một chương trình đầy ý nghĩa - cùng ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục