Mất còn các khu sinh thái miền Trung - Bài 1: Những nét son sinh thái

Quà tặng từ tạo hóa
Mất còn các khu sinh thái miền Trung - Bài 1: Những nét son sinh thái

Thời tiết miền Trung vốn nắng như đổ lửa, mưa tầm tã và triền miên bão lũ. Nhưng tạo hóa cũng rất công bằng khi ban tặng cho miền Trung những kỳ quan thiên nhiên độc đáo với động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, Sơn Trà (Đà Nẵng), hồ Phú Ninh hay Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Quảng Nam)... Tuy nhiên, nhiều khu sinh thái từng kiêu dũng tồn tại bất chấp 2 cuộc chiến tranh dai dẳng khốc liệt hàng thế kỷ qua nhưng chỉ mới 2 thập niên gần đây đã phải lụi tàn trong cơn lốc phát triển du lịch, đô thị hóa...!

Nét thơ mộng ở khu vực cầu tàu Bãi Làng - Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN KHÔI

Nét thơ mộng ở khu vực cầu tàu Bãi Làng - Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN KHÔI

Quà tặng từ tạo hóa

Nằm ở độ cao từ 1.000m đến 1.450m so với mực nước biển, Khu du lịch sinh thái Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nổi tiếng với khí hậu mát mẻ và hệ động - thực vật đa dạng phong phú. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi người Pháp đặt chân tới Bạch Mã, họ đã phát hiện ra một kho tàng di sản thiên nhiên rất phong phú về cả động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Đến năm 1991, Bạch Mã được công nhận là Vườn quốc gia với gần 37.500ha. Qua khảo sát, đánh giá của nhiều tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế, Vườn quốc gia Bạch Mã là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của khu vực Đông Dương. Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được hơn 2.147 loài thực vật, 132 loài thú, 358 loài chim, 894 loài côn trùng, 57 loài cá, 52 loài bò sát và lưỡng thê. Đặc biệt, số loài chim chiếm gần 1/3 tổng số loài chim của cả nước.

Cách Bạch Mã hơn 100km về phía Nam, đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) cũng là khu sinh thái với đa dạng sinh học phong phú. Cù Lao Chàm gồm quần thể 8 đảo lớn nhỏ được phân bổ theo hình cánh cung, nằm trên khu vực biển Hội An - Đà Nẵng, có diện tích 15km². Với 8 đảo lớn nhỏ, Cù Lao Chàm “sở hữu” một hệ sinh thái biển và rừng núi phong phú bậc nhất miền Trung như: tảo biển, san hô, động vật thân mềm, động vật giáp xác với gần 1.000 loài sinh vật sinh sống trên các vùng nước quanh đảo, trong đó có 178 loài sinh vật biển; hơn 50 loại cá; 56 loài thân mềm như ốc, ngọc trai; nhiều loài nằm trong Sách đỏ của Việt Nam như khỉ đuôi dài và chim yến. Đặc biệt, Cù Lao Chàm còn có 6 trong số 135 loài san hô sinh sống lần đầu tiên được ghi nhận tại vùng biển Việt Nam. Không những thế, Cù Lao Chàm còn sở hữu Đảo Yến (Hòn Lao) rất có giá trị về kinh tế; rừng ở đây được xếp vào loại rừng đặc dụng hải đảo, có hơn 500 loài thực vật thuộc gần 100 họ bậc cao, nhiều loài cây bản địa có giá trị cao phát triển mạnh.

Với hệ sinh thái đa dạng và  phong phú đó, cách đây 2 năm, ngày 26-5-2009, Ủy ban Điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (MAB, UNESCO) công nhận Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Từ Cù Lao Chàm đi về phía Tây Nam chừng 70km, Khu di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia hồ Phú Ninh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) cũng hấp dẫn không kém Bạch Mã và Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, cái độc đáo ở khu sinh thái hồ Phú Ninh là “nửa thiên nhiên, nửa nhân tạo”. Hồ Phú Ninh là công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung và lớn thứ nhì Việt Nam (sau hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh) được xây dựng năm 1977 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1986, có diện tích mặt nước 3.433ha, 23.000ha rừng phòng hộ, hồ có sức chứa 344 triệu m³ nước. Trong lòng hồ có 38 hòn đảo lớn nhỏ và một vùng rừng phòng hộ rộng lớn bao bọc xung quanh. Độc đáo hơn cả, giữa lòng hồ có một đảo nhỏ với rừng cây rậm rạp có rất nhiều khỉ nên người dân gọi nơi đây là đảo Khỉ.

Thiên đường du lịch sinh thái

Hàng chục năm qua, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhiều địa phương đã đánh đổi sinh thái, rừng, biển… để phát triển. Trong khi đó, Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung tuy còn nghèo, kinh tế khó khăn nhưng họ đã ý thức được việc bảo vệ Cù Lao Chàm như bảo vệ lá phổi của chính mình. Và đến nay, Cù Lao Chàm dường như còn vẹn nguyên, sở hữu Đảo Yến vô cùng quý hiếm cũng như sở hữu sự đa dạng sinh học tại vùng biển đảo và rừng tại đây. Chính vì vậy, trong cơn lốc quy hoạch đô thị, Cù Lao Chàm dường như “đứng bên lề” và thực sự trở thành “thiên đường” du lịch sinh thái. Đến với Cù Lao Chàm là về với thiên nhiên, có rừng có núi, có biển, có suối…

Đối với Vườn quốc gia Bạch Mã, chính quyền địa phương đã biết phát huy thế mạnh để biến thành khu du lịch sinh thái độc đáo, nơi nghỉ mát và tham quan lý tưởng của khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến Bạch Mã để thả hồn vào khoảng không yên tĩnh với núi rừng, để tắm suối, nghe chim hót, thưởng thức các loài hoa khoe sắc giữa chốn rừng già... Phát huy thế mạnh đó, năm 2007, Trung tâm Du lịch sinh thái Bạch Mã đã xây dựng các đường mòn có diễn giải thiên nhiên và hai tour mới: “Gọi chim trời” và “Thế giới hoang dã về đêm”, rất hấp lực đối với du khách trong nước và quốc tế.

Nếu như Bạch Mã và Cù Lao Chàm đã và đang được bảo tồn và phát huy những giá trị thì khu di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia hồ Phú Ninh vẫn “ngủ quên” trong giấc ngủ say. Sở hữu một khu sinh thái độc đáo, đặc biệt có suối nước nóng nhưng do chưa được đầu tư đúng mức khiến tiềm năng bị bỏ phí, hồ Phú Ninh đến nay mới chỉ dừng lại ở công năng làm hồ chứa nước thủy lợi phục vụ nông nghiệp, trong khi tiềm năng du lịch vẫn chưa được khai thác đúng mức.

Hầu hết các khu sinh thái tại miền Trung đều rất độc đáo, đa dạng và phong phú như nhau, nhưng mỗi nơi lại có một cách “đối xử” khác nhau của người dân và chính quyền địa phương. Vì vậy, trước khi khai thác, tác động vào một khu sinh thái cần đặt vấn đề bảo tồn lên hàng đầu để không bao giờ hối hận.


- Bài 2: Hủy diệt hệ sinh thái.

N.Khôi – P.Lê – K.Thủy

Khe Nước Trong thành khu bảo tồn

UBND tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt luận chứng khoa học thành lập Khu bảo tồn Khe Nước Trong có diện tích 19.188ha, nằm ở đầu nguồn sông Kiến Giang và sông Long Đại.

Theo ghi nhận của các nhà khoa học, tại đây có 987 loài thực vật thuộc 539 chi, 141 họ, trong đó có 163 loài đặc hữu, 54 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 26 loài trong Sách đỏ thế giới. Về động vật, Khu bảo tồn thiên nhiên này có 241 loài động vật thuộc 77 họ, 21 bộ, trong đó có 41 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 29 loài nằm trong Danh mục đỏ thế giới.

Các nhà khoa học khi khảo sát vùng rừng này đã đánh giá những loài như thỏ vằn Trường Sơn, gà so, sao la, khướu mỏ dài hiện đang tồn tại với cá thể phong phú tại khu vực rừng già này.

M.Phong

Tin cùng chuyên mục