“Mắt ngọc” Hà Giang không còn lệ

“Mắt ngọc” Hà Giang không còn lệ

Được mệnh danh là “Mắt ngọc” của Hà Giang, hồ Noong có vẻ đẹp độc đáo với rừng cây cổ thụ có từ thuở khai thiên lập địa, quanh năm chìm trong màn nước. Xung quanh hồ là rừng núi đá nguyên sinh và những bản Tày cổ. Cùng với rừng Tây Côn Lĩnh, cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pì Lèng, sông Nho Quế…, hồ Noong tạo nên vẻ thơ mộng và hùng vĩ của Hà Giang. Song, “Mắt ngọc” giờ đây đang bị tàn phá nặng nề…

  • Tồn tại cùng truyền thuyết

“Mắt ngọc” Hà Giang không còn lệ ảnh 1

Hồ Noong đang bị xâm hại.

Cách thị xã Hà Giang 18km, hồ Noong nằm ở xã Phú Linh, có diện tích mặt nước chừng 63ha, xung quanh bao bọc bởi các dãy núi đá vôi. Những mạch nước ngầm từ trong núi chảy vào hồ luôn duy trì lượng nước trong hồ ở mức trên 3m vào mùa khô, thông thường mực nước trong hồ là 6m.

Hồ trên núi luôn tạo ra sự hấp dẫn kỳ lạ, đó là sự kết hợp giữa thơ mộng và hùng vĩ. Riêng hồ Noong còn ẩn chứa sự mê ảo khi trong lòng hồ là cả rừng cây cổ thụ xanh tốt một cách huyền bí. Hồ Noong không chỉ là một cảnh đẹp, nó còn gắn liền với văn hóa dân tộc thiểu số.

Theo phong tục từ xa xưa, dân cư thuộc 4 xã khu vực quanh hồ là Phú Linh, Ngọc Linh, Đạo Đức, Linh Hồ, thường tổ chức ngày hội bắt cá vào dịp đầu xuân. Cứ sau tết, dân tháo đập cho nước hồ chảy về cánh đồng 3 thôn Mường Nam, Mường Trung, Mường Bắc.

Cá hồ Noong nhiều vô kể. Đặc biệt đây là cá tự nhiên, không cần thả, không cần nuôi. Sau mỗi hội đánh bắt, người ta “phơi” hồ một vài tuần, để cỏ cây mọc dưới lòng hồ làm thức ăn cho cá vụ sau. Trong thời gian này, lòng hồ là cả một thung lũng rộng mênh mông xanh mượt cỏ.

Từng bầy gia súc: trâu, bò, dê, ngựa béo mượt tung tăng chạy nhảy dưới những tán cổ thụ tạo nên một khung cảnh bình yên và sung túc lạ kỳ. Không cần đến vào thời điểm nước hồ đầy để ngồi trên những chiếc thuyền độc mộc thám hiểm rừng nguyên sinh, khách du lịch vẫn bị hớp hồn khi thả bộ trên thung lũng cỏ, thán phục ngắm nhìn những chùm rễ cổ thụ không biết đã tồn tại cùng trời đất bao nhiêu thế kỷ nay.

  • “ Mắt ngọc” bây giờ

Tương truyền dưới lòng hồ có “mỏ cá”. Chỉ cần cơn mưa đầu mùa ào đến, lòng hồ lấp xấp nước là cá ở đâu đã tràn về, gầy mỏng như những chiếc lá. Chúng nhanh chóng béo tròn khi ăn những cây cỏ trong lòng hồ, đợi đến ngày hội bắt cá năm sau.

Chưa bao giờ hồ Noong bị “phơi” lâu như năm nay, một phần do hạn hán. Phần khác, do người ta tháo cạn hồ để đắp đập. Vào cuối tháng 5-2005, trong lòng hồ, những máy xúc vẫn ra sức đào đắp đất bùn thành từng đống cao chất ngất. Trên lớp bùn khô cong, những cây đại thụ nằm phơi rễ ngổn ngang, và đó đây, những cây tươi bị đốn chặt vẫn đang còn chảy nhựa.

Theo những người dân đang sinh sống ở bản Noong 1 (xã Phú Linh), trước đây, cả khu vực hồ gần 70ha là rừng nguyên sinh ngập nước. Nay, chỉ còn chừng chưa đầy 20ha có cây. Diện tích rừng cổ thụ trong hồ một ngày mỗi thu hẹp, nhất là trong vòng 2 năm nay.

Ông Phà Văn Tường ở bản Noong 1 cho biết: những cây sống dưới lòng hồ đều là các loài cây bản địa: Mạy ẳn, Mạy đúc, Mạy thanh…gỗ rất mềm, dẻo, bà con thường lấy về để đẽo mâm, đẽo khay, đẽo chõ đồ xôi, nấu rượu, đẽo mõ trâu, thậm chí làm chuồng lợn, làm cọc rào... Gỗ cháy không tốt lắm nhưng thiếu thì vẫn dùng làm củi tạm.

Ông Tường và một số người cùng bản đều cười bảo rằng lấy cây dưới hồ dễ hơn lên rừng chặt nhiều, vì tiện và chính quyền không coi giữ. Ai cũng nói rất tiếc nếu mất đi những cây rừng đẹp như vậy. Nhưng “không chặt thì nó cũng chết vì không chịu được cạn lâu thế”.

“Mắt ngọc” Hà Giang không còn lệ ảnh 2

Vắng dần những đại thụ.

Hồ Noong là một điểm du lịch nổi tiếng, song chưa bao giờ đem lại lợi ích kinh tế cho xã Phú Linh. Dân làm du lịch tự phát, xã không quản lý được. Ông Nguyễn Phúc Thái, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hồ đã được giao khoán cho HTX thủy sản từ năm 1995. Mỗi năm đánh bắt khoảng 10 tấn cá, trị giá gần 100 triệu đồng, là nguồn thu không nhỏ đối với 1 xã không có nguồn thu ngân sách nào.

Hiện, tại khu vực lòng hồ, HTX thủy sản đang đắp đập để ngăn chia khu vực nuôi cá của HTX và phần hồ thiên nhiên phục vụ sinh hoạt truyền thống của dân địa phương. Lợi dụng việc này, dân cũng tự đào đắp, khoanh vùng để nuôi vịt, cá. Cây chết, một số ít do thay đổi môi trường, số nhiều do dân chặt rễ cây để bắt cá. Ông Thái cũng khẳng định việc chấm dứt tình trạng đốn chặt cây không có gì khó: “Chỉ cần vận động 52 hộ sống quanh hồ là ổn”.

Trong khi tình trạng đào đắp lòng hồ và đốn chặt cây còn chưa chấm dứt thì hồ Noong lại phải đối mặt trước một nguy cơ mới. Đó là dự án đầu tư khu du lịch hồ Noong, do Công ty TNHH XNK Việt Cường đầu tư 35 tỷ đồng, sẽ thực hiện từ tháng 7-2005.

Theo mục tiêu của dự án, hồ Noong sẽ được “cải tạo từ một khu thiên nhiên có cảnh quan đẹp trở thành một trung tâm du lịch, vui chơi, giải trí”. Giới thiệu về dự án này, ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Hà Giang vẽ ra một viễn cảnh: Xung quanh hồ sẽ là những khu nhà nghỉ kiên cố, hiện đại. Mực nước hồ luôn ở mức cố định, và dĩ nhiên sẽ không còn những ngày hội bắt cá. Đổi lại du khách sẽ đi thuyền độc mộc, hoặc bè, mảng ra những phòng nghỉ thơ mộng rải rác trên mặt hồ. Những phòng này được đặt trên những trụ bê tông, cách mặt nước một khoảng vừa đủ để khỏa chân xuống nước.

Hồ Noong có thể sẽ rất đẹp (theo tính toán của nhiều người) sau khi đầu tư, nhưng không có gì đảm bảo rằng rừng cây cổ thụ còn sống sót sau khi dự án hoàn thành. Mất rừng cây, hồ Noong không còn là hồ Noong tồn tại cùng truyền thuyết nữa, và quan trọng hơn, không bao giờ, không có cách nào có thể tái tạo được cảnh quan độc đáo này. 

BẠCH LIỄU

Tin cùng chuyên mục