Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng chưa tương xứng
Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua ước đạt gần 170 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, tuy các FTA giúp hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh, song chủ yếu tăng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI chiếm khoảng 71% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hoạt động xuất khẩu của khối FDI đang dẫn dắt thị trường, nếu khối FDI xuất siêu thì Việt Nam xuất siêu và ngược lại. Điều đó cho thấy, việc kim ngạch xuất khẩu tăng thì khối hưởng lợi nhiều nhất lại là doanh nghiệp FDI.
Còn nếu xét trong quan hệ tương quan FTA, do doanh nghiệp Việt Nam chưa phát huy được lợi thế nên chưa tận dụng hết ưu đãi và vẫn thua các đối tác. Điển hình, sau hơn 2 năm FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, giá trị xuất khẩu và tỷ lệ tận dụng các ưu đãi trong ngành chế biến gỗ TPHCM vẫn không cao bằng các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc đang đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Nguyên nhân vì các doanh nghiệp FDI hiểu rõ các tiêu chuẩn, đặc trưng riêng về đồ gỗ ở thị trường Hàn Quốc nên họ tận dụng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa theo quy định của FDI để hưởng ưu đãi.
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế, đến nay một số doanh nghiệp trong nước vẫn còn mù mờ, không nắm bắt được các quy định để đáp ứng yêu cầu được ưu đãi. Đây là lý do các doanh nghiệp trong nước đã bỏ qua nhiều ưu đãi từ FDI, chưa tăng được tính cạnh tranh vì không được ưu đãi thuế và giá bán sẽ tăng so với đối tác, dẫn đến nguy cơ mất thị trường. Điều đó không chỉ làm mất cơ hội ở những thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc mà ở thị trường ASEAN, dù nhiều thuận lợi hơn nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn không chủ động, để nhiều nước ASEAN nhập hàng ồ ạt vào Việt Nam.
Tham gia FTA, các bên sẽ được ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan, thực tế có giúp Việt Nam gia tăng kim ngạch thương mại trong thời gian qua. Thế nhưng, trước bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc) diễn ra căng thẳng hơn, thì việc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng. Nếu doanh nghiệp trong nước không kịp thời thay đổi hoặc có sự chuẩn bị thì nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội từ FTA sẽ tác động rõ ràng hơn trong thời gian tới.
Không như kỳ vọng
Tính đến hết năm 2017, hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam. Trong 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD thì có 5 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD và 4 thị trường trên 10 tỷ USD (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Hiện có 16 FTA đã và đang được đàm phán ký kết, trong đó 10 FTA đã có hiệu lực, giúp thị trường tiêu thụ của hàng hóa Việt Nam mở rộng hơn.
Thế nhưng, theo công bố của Bộ Công thương, 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký FTA chỉ đạt khoảng 40% (dù tăng so với con số khoảng 35% của các năm trước). Các chuyên gia vẫn cho rằng, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ FTA như vậy là còn khiêm tốn so với tiềm năng có thể đạt được. Việc đàm phán ký kết FTA phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức, tốn kém, nhưng lợi ích đem lại chưa như kỳ vọng!
Ông Choi Dae Kyoo, chuyên gia dịch vụ hải quan và thuế (Trung tâm Hỗ trợ FTA Hàn Quốc - Việt Nam), cho biết một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt ưu đãi từ FTA là do thiếu hiểu biết về phương pháp quản lý xuất xứ, phân loại danh mục trong nguồn nguyên liệu cũng như những hạn chế trong việc xây dựng các chế độ công nhận lẫn nhau về chứng nhận xuất xứ. Và thực tế, vì không đáp ứng được nguồn gốc xuất xứ thì không tận dụng được ưu đãi, có nghĩa FTA sẽ trở nên “vô nghĩa” nếu doanh nghiệp trong nước không có sự chuẩn bị sẵn sàng. Ví dụ, ngành dệt may phải chuẩn bị nguồn gốc xuất xứ từ vải, chỉ… và nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị đủ tiêu chuẩn thì sẽ đánh mất cơ hội.
Ngoài việc các doanh nghiệp cần chủ động về nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu phù hợp, các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ cần xây dựng các chính sách, thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ trong từng FTA. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng kỹ thuật phòng vệ thương mại để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.