Mẫu giấy khai sinh mới: Cải tiến hay… cải lùi?

Từ năm 1998 đến nay, Bộ Tư pháp đã quyết định đổi mẫu giấy khai sinh (GKS) đến… 4 lần với nhiều biểu mẫu khác nhau. Thế nhưng, càng “đổi mới”, nội dung thông tin của GKS càng sơ sài khiến cả công chức và người dân đều phiền hà…

Hình thức màu mè, nội dung hời hợt…

Khi Chính phủ ban hành Nghị định 83/CP về hộ tịch vào năm 1998, các biểu mẫu GKS mới được đưa vào sử dụng khiến hàng chục ngàn biểu mẫu GKS trước đó phải hủy bỏ. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ tư pháp và người dân là những người trong cuộc, biểu mẫu GKS từ những năm 1998 trở về trước có nội dung chuẩn nhất so với các biểu mẫu mới sau này!

Mẫu GKS mới theo NĐ 83/CP được sử dụng không bao lâu thì đến tháng 6-2006 mẫu GKS mới theo Nghị định 158/CP được ban hành thay thế. Khi sử dụng biểu mẫu hộ tịch mới, nhiều người dân nhận xét rằng hình thức các biểu mẫu hộ tịch trông bên ngoài có màu sắc màu mè (GKS: màu xanh; Đăng ký kết hôn: màu hồng; Khai tử: màu xám…) nhưng nội dung thì hời hợt, còn kích cỡ, độ dày mỏng của từng loại giấy thì không thống nhất!

Một cán bộ tư pháp phường cho biết: “Đáng lẽ GKS, giấy đăng ký kết hôn nên làm theo khổ giấy A4 như các loại giấy bình thường khác để tiện dụng cho công chức và người dân trong quá trình in ấn, làm thủ tục hồ sơ và lưu trữ… nhưng khi “cải tiến” lại trở thành một biểu mẫu thiếu khá nhiều thông tin cần thiết về cha mẹ. Chưa kể hình thức mẫu GKS mới chỉ còn 1/2 khổ giấy A4 nên chữ viết li ti khó đọc”.

Do nhiều địa phương kiến nghị chỉnh sửa nên biểu mẫu hộ tịch theo NĐ 158/CP (ban hành từ tháng 6-2006) chỉ áp dụng được hơn một năm thì lại thay đổi. Để tránh lãng phí, Bộ Tư pháp chỉ đạo cấp cơ sở phải sử dụng hết mẫu cũ rồi mới sử dụng mẫu mới, vì thế dẫn tới tình trạng không đồng bộ trong việc sử dụng GKS ở các nơi.

Nảy sinh rắc rối mới…

Anh Nguyễn Quân, ngụ tại quận 3, kể: “Mới đây, tôi đi mua vé máy bay cho vợ con về quê thăm ông bà. Khi xem GKS, thấy nội dung thiếu thông tin về cha mẹ nên cô nhân viên bán vé yêu cầu tôi về phường chứng nhận lại xem vợ chồng tôi có đúng là cha mẹ của… con tôi không!”. Do nội dung GKS quá sơ sài nên người dân phải kèm theo nhiều loại giấy tờ tùy thân khác như: CMND, hộ khẩu, giấy phép lái xe, thẻ hội viên… để khẳng định GKS là có giá trị!

Chị Nguyễn Bích Hà, ngụ tại quận Phú Nhuận, than phiền: “Tôi mới làm GKS cho con, ngoài tên họ, ngày tháng, năm sinh của con là cụ thể, phần cha mẹ chỉ có họ tên mà không có ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp nên rất sơ sài...”.

Mẫu GKS như vậy rất dễ dẫn đến tình trạng trùng tên. Anh Nguyễn Hữu, ngụ tại quận Tân Bình, cho biết: “Lớp học của con tôi hiện có tới 7 cháu cùng tên là Phương Linh, những cháu có họ khác nhau thì còn đỡ, nhiều cháu cùng cả họ tên và năm sinh nên cô giáo phải đặt thêm biệt danh A, B… kèm theo để phân biệt từng cháu. Khi ghi học bạ, cô giáo phải dựa vào họ tên cha mẹ ghi trong GKS của từng cháu để nhận xét cho chính xác.

GKS có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó gắn bó suốt cả một đời người, đáng lẽ nên cải tiến sao cho trang trọng về hình thức và đầy đủ về nội dung để thật sự có ích cho mỗi người…”. Có trường hợp trớ trêu khi trùng họ tên “dính chùm” cả cha mẹ lẫn con khiến các cơ quan chức năng: tư pháp hộ tịch, hải quan, giáo dục- đào tạo… khó phân biệt trong giải quyết các công việc.

Trước thực tế này, bà Nguyễn Thị Nguyệt Huệ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, thừa nhận: “Thời gian qua, đúng là có nảy sinh một số vấn đề trong việc sử dụng mẫu GKS mới. Sở Tư pháp TPHCM đã kiến nghị cấp trên sớm điều chỉnh cho phù hợp…”.

Vẫn biết, Bộ Tư pháp có chủ trương đơn giản hóa nội dung GKS để tránh phức tạp cho dân, tuy nhiên qua thực tế đã nảy sinh những rắc rối nêu trên. Bà Cao Thị Thanh Thảo, Phó Chánh Văn phòng 2 Bộ Tư pháp tại TPHCM, cho biết: “Bộ Tư pháp đã đề nghị Vụ Hành chính –Tư pháp Trung ương sớm điều chỉnh lại nội dung mẫu GKS để tạo thuận lợi cho người dân và tránh lãng phí cho nhà nước…”. 

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục